Ngày 25/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra cho ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Qua thảo luận, các đại biểu nhìn nhận việc sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết.
Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, một trong những chủ trương lớn về quản lý dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đó là lần này Chính phủ không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện “hậu kiểm”. Để phù hợp với chủ trương đó nên Điều 93a của Luật Kinh doanh bảo hiểm được bổ sung theo Khoản 6 Điều 1 của dự thảo Luật quy định các điều kiện áp dụng đối với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, không yêu cầu phải đăng ký, cấp phép hoạt động hay chứng nhận đủ điều kiện.
Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc đổi mới phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên vì dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên các quy định để kiểm soát, quản lý dịch vụ này phải phù hợp để vừa tạo thuận lợi cho chủ thể kinh doanh nhưng cũng phải bảo đảm cho khách hàng được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có chất lượng, bảo đảm sự an toàn của thị trường kinh doanh bảo hiểm.
“Trong điều kiện không có tiền kiểm mà chỉ hậu kiểm có khả năng một số tổ chức, cá nhân không bảo đảm điều kiện kinh doanh nhưng vẫn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi thanh tra, kiểm tra mới phát hiện sai phạm. Lúc đó, ngoài việc phạt vi phạm theo quy định của pháp luật thì việc xử lý hậu quả pháp lý từ các hợp đồng dịch vụ đã cung cấp mà không bảo đảm năng lực chủ thể sẽ có nguy cơ dẫn đến thiệt hại cho khách hàng và rủi ro cho thị trường kinh doanh bảo hiểm. Do đó Chính phủ cần đánh giá kỹ thêm tác động của các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, nghiên cứu bổ sung vào Điều 93b của Luật Kinh doanh bảo hiểm một số quy định về tiền kiểm để thực sự đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính an toàn của thị trường và việc bảo đảm quyền lợi khách hàng” - Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề.
Giải trình vấn đề trên, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm cũng cần có quy định tiền kiểm để đảm bảo tính an toàn. Tuy nhiên để tạo sự thông thoáng thì Luật không yêu cầu phải đăng ký, cấp phép hoạt động hay chứng nhận đủ điều kiện mà thay vào đó là ngày càng tăng cường hậu kiểm để tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Như vậy vẫn đảm bảo sự quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Bộ Tài chính khẳng định làm rõ việc thay tiền kiểm bằng hậu kiểm là vấn đề lớn để tạo sự thông thoáng nhưng liệu thông thoáng có kiểm soát thị trường, rủi ro hay không? Nếu “làm chặt” như yêu cầu phải đăng ký là đi ngược với việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sự thông thoáng. Nhưng nếu không làm thì cơ chế hậu kiểm có kiểm soát được thị trường hay không?
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết, đây là vấn đề mới và quan điểm của Chính phủ là tiếp tục nghiêng về hậu kiểm nhưng vẫn phải đảm bảo vai trò quản lý nhà nước thông qua kiểm tra, chế độ cấp giấy chứng chỉ, điều kiện về đào tạo, và chế độ thông tin báo cáo trách nhiệm của các doanh nghiệp. Đó chính là “kiểm soát từ xa”, bên cạnh đó sẽ có kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất, hay sự đánh giá của các tổ chức nghề nghiệp.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, theo đề xuất của Chính phủ thì dự thảo Luật sẽ sửa đổi bổ sung 11 điều khoản để thực thi 11 nhóm chính sách đã cam kết trong 8 điều khoản của Hiệp định CPTPP theo 4 nhóm vấn đề lớn gồm: Sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đã bày tỏ nhất trí với những vấn đề trên khi cho rằng các quy định của dự thảo Luật đã cơ bản nội luật hóa được các cam kết nêu trên trong Hiệp định CPTPP cũng như các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với phạm vi sửa đổi, bổ sung đã được xác định.