LHQ cùng chính phủ nhiều nước mới đây đã đưa ra cảnh báo về các đợt hạn hán và lụt lội nghiêm trọng sắp xảy ra do hiện tượng El Nino hoành hành, có khả năng gây ảnh hưởng tới 100 triệu người dân ở nhiều khu vực, từ châu Phi, châu Á đến Mỹ Latin. Ảnh hưởng này còn có thể gây nên tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và làm bùng phát dịch bệnh.
Ảnh hưởng xấu từ El Nino gây nên tình trạng
thiếu lương thực nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên thế giới (Nguồn: RT).
Các con số thống kê mới nhất từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho hay, 40 triệu người ở các vùng nông thôn và 9 triệu người ở các khu vực thành thị, những người sống trong nhiều vùng ảnh hưởng của hạn hán ở Zimbabwe, Mozambique, Nam Phi, Zambia, Malawi và Swaziland sẽ cần viện trợ lương thực trong năm tới.
Thêm vào đó, theo Văn phòng phối hợp nhân đạo của LHQ (Ocha), 10 triệu người dân ở Ethiopia sẽ cần lương thực và 2,8 triệu người khác ở Guatemala và Honduras cần viện trợ nhân đạo.
Hàng triệu người khác ở châu Á và các khu vực thuộc Thái Bình Dương hiện đang bị ảnh hưởng bởi các đợt nước biển nóng, tình trạng thiếu nước sạch và các vụ cháy rừng… kể từ khi hiện tượng El Nino xuất hiện từ khoảng giữa năm 2015. LHQ còn cảnh báo rằng, mùa màng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới trong suốt năm 2016.
Trong một tuyên bố chung, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) và Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói cho hay: “EL Nino sẽ có ảnh hưởng mang tính hủy diệt đến mùa màng ở khu vực Nam Phi và đến an ninh lương thực trong năm 2016”.
El Nino, bắt nguồn từ hiện tượng nóng lên của các dòng nước ở Thái Bình Dương, đã gây ra nhiều đợt hạn hán, lũ lụt và các cơn bão lốc xảy ra với tần suất cao hơn trên thế giới. El Nino diễn ra trong năm nay được giới khí tượng dự đoán là tồi tệ nhất trong vòng 35 năm qua và giờ đang ở đỉnh điểm. Dù được dự báo là sẽ giảm dần trong vòng 6 tháng tới, nhưng tác động của El Nino đối với mùa màng, sức khỏe con người ở các nước phát triển có thể kéo dài trong suốt 2 năm tới hoặc lâu hơn do mùa màng bị phá hủy và lũ lụt kéo dài.
“Thiếu hụt lượng mưa kể từ tháng 3/2015 đã gây nên tình trạng hạn hán. Ở khu vực Trung Mỹ, El Nino còn dẫn đến một đợt hạn hán thứ hai chỉ trong vòng 1 năm, và đó lại là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử của khu vực” - Ocha cho hay.
Mozambique và nhiều quốc gia Nam Mỹ sẽ phải đối mặt với một thảm họa nếu như mưa không xuất hiện trong vài tuần tới,; WPF nhận định. Trong năm nay, khu vực Nam Phi được dự kiến sẽ thiếu hụt 6 triệu tấn lương thực do ảnh hưởng của El Nino, trong khi các nhà cung cấp lương thực trong khu vực lại không đủ.
Zimbabwe, quốc gia đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia mới đây, thì cho hay, mùa màng của họ đã bị phá hủy khiến giá lương thực đội lên cao ngất ngưởng. Báo cáo của WPF còn nói rằng, sản lượng lương thực của nước này trong năm 2015 đã giảm tới một nửa so với trước đó, trong khi giá ngô tăng lên tới 53%. Ước tính nước này cần khoảng 1,6 tỷ USD tiền viện trợ để mua lương thực sau đợt hạn hán.
Mối quan ngại về ảnh hưởng của El Nino càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các nhà tài trợ quốc tế đang để tâm hơn tới tình hình chiến sự Syria và khủng hoảng virus Ebola. Bở vậy mà đến nay họ vẫn chưa đáp lại lời kêu gọi viện trợ của các quốc gia bị ảnh hưởng.
“El Nino đã bắt đầu sức tàn phá của nó từ năm ngoái. Chính phủ đã nỗ lực hết mình để hạn chế tác hại của đợt hạn hán, bằng cách chi 300 triệu USD để mua lúa mỳ từ thị trường thế giới” - Ngoại trưởng Ethiopia Tedros Ghebreyesus cho hay.
Tuy nhiên, số người cần viện trợ lượng thực ở nước này vẫn tăng lên hết sức nhanh chóng, khiến cho nước này không thể giải quyết một mình được. Trong khi có khoảng 10,2 triệu dân Ethiopia đang cần viện trợ, thì chính phủ nước này cần khoản tiền tới 1,4 tỷ USD. Chính phủ Ethiopia đến nay mới chỉ giải ngân 300 triệu USD, và một số nhà tài trợ đã cam kết chi thêm 300 triệu USD nữa. Vậy nên họ vẫn còn thiếu 800 triệu USD.
Theo Mạng lưới cảnh báo sớm nạn đói, tổ chức được Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thành lập năm 1985, cho hay, lượng mưa trung bình sẽ còn tiếp tục ở mức thấp, trong khi nhiệt độ sẽ tiếp tục gia tăng ở khu vực Nam Mỹ trong suốt năm 2016 do ảnh hưởng từ El Nino. Bên cạnh đó, khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ còn kéo dài đến năm 2017.