Chui xuống dưới những “địa đạo” nhằng nhịt ở mỏ vàng Bồng Miêu mới thấy được một thế giới khác - thế giới của những phu vàng. Họ đang mạo hiểm với mạng sống của mình vì một thứ lấp lánh.
Từ giữa năm 2016, khi Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu bị yêu cầu đóng cửa đến nay, vàng tặc ngày càng náo loạn mỏ vàng Bồng Miêu, ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Mới đây đã xảy ra vụ sập hầm khai thác vàng khiến một người chết. Chính quyền địa phương cho biết, một tháng có đến 3 đợt truy quét vẫn không ngăn chặn được tình trạng này.
Một ngách hầm lò trong mỏ vàng Bồng Miêu.
Đi vào động vàng
Sau khi vượt qua hàng chục km chúng tôi có mặt tại khu vực mỏ Bồng Miêu trong vai những người đi khai thác quặng vàng. Được những phu vàng dẫn đi, sau khi tập kết tại trung tâm xã, chúng tôi bắt đầu đi vào địa phận Dốc Dẽo, qua địa phận Cầu Lũng, tiếp tục vượt một con sông, qua bên kia sông là bắt đầu leo lên những rẫy keo của người dân. Vẫn bộ dạng của “phu vàng”, chúng tôi được đưa vào hầm lò số 10, nơi đang rất nóng về khai thác vàng trái phép.
Từ của hầm nói trên đi vào có hàng trăm ngóc ngách để đến với những hầm lò khác nhau. Có những tuyến hầm dài hàng km. Đường dốc trơn trợt, quanh co, chằng chịt, chỗ hẹp chỗ rộng. Nếu lơ là lạc đường là không biết lối ra. Chưa nói đường hầm đâu đâu cũng đá lởm chởm, lúc lên lúc xuống. Để đến với những nơi khai thác quặng mà theo các phu vàng cho là “trúng mánh” là cả một chặng đường gian nan đầy nguy hiểm. Ngoài chuyện ngã, chúng tôi nơm nớp cứ phải lo sợ hầm có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Một phu vàng cho biết: “Hiện nay, ngoài hầm lò 10 này còn một tuyến lò đang rất nóng khác, đó là hầm lò số 7. Hai khu này đang rất nóng có hàng trăm người khai thác quặng vàng”. Không chỉ ở trong các hang động mà ngay ở ngoài núi, ngay trên các hầm lò, nhiều người cũng đang thi nhau khai thác vàng trái phép. Còn chúng tôi, sau khi vào trong hang động, đã thấy các phu vàng trang bị bao tải, đèn pin, cùng với cuốc, xì rô, xà beng, xẻng… Trong ánh đèn le lói, thoắt ẩn, thoắt hiện, họ đi từng tốp đến những nơi họ khai thác quặng vàng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một tổ có từ 3 đến 5 người, khai thác mỗi ngày khoảng 2 đến 3 tấn đá. Nếu “trúng mánh” với vài tấn đá họ đã có hàng cây vàng, chí ít cũng có vài chỉ vàng bổi. Mức bán hiện nay khoảng 20 đến 22 triệu đồng/cây vàng bổi. Còn nếu cõng quặng thuê, những phu vàng có thể thu nhập cho một lần vận chuyển lên đến 400.000 đồng/chuyến.
Có những chủ bường thuê nhiều nhân công vào dựng trại ăn ở khai thác vàng trong hầm lò nhiều ngày. Còn lại đa số sau khi xay quặng bỏ đá tạp ra họ cõng đé (nguyên liệu tinh bước 1) đến nơi khác để tuyển vàng. “Hiện giờ, chỗ này hàng trăm người khai thác quặng chui. Vẫn chưa ăn nhằm gì, có lúc cả nghìn người!” - một phu vàng cho biết.
Phu vàng đang cõng quặng trong hầm lò số 10.
Địa phương bó tay
Ông Nguyễn Thành Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết: “Trong tháng qua chúng tôi đã phối hợp với đồn Công an Tam Lãnh trực thuộc Công an huyện Phú Ninh và Công an xã Tam Lãnh, kiểm tra 3 đợt”. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phá hủy 4 máy nổ, hai máy xoay, 3 máy bom nước, 750 mét dây điện, 800 mét dây dẫn nước, 10.000 mét bạc, tất cả là để phục vụ cho khai thác vàng trái phép. Đáng lo ngai khi phát hiện có đến 22 hồ chứa hóa chất khoảng 270m3, 3 tấn vôi… Lực lượng chức năng đã đẩy đuổi gần 200 người ra khỏi khu vực. Thế nhưng nhiều người trốn trong các hầm lò hay chạy vào núi. Chỉ cần lực lượng truy quét bỏ đi là họ quay ngay lại khai thác quặng vàng trái phép, ông Vinh lo lắng.
Thật ra không chỉ chính quyền xã mà trước thực trạng trên, UBND huyện Phú Ninh cùng các cơ quan chức năng cấp tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo tổ chức truy quét vàng tặc tại các khu vực thuộc mỏ vàng Bồng Miêu, đồng thời yêu cầu chính quyền xã Tam Lãnh tăng cường các biện pháp đảm bảo tình hình trật tự tại địa phương.
Một điểm khai thác quặng trong hầm lò Bồng Miêu.
Nhưng ông Vinh cho rằng: “Chúng tôi đã liên tục tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không khai thác quặng vàng trái phép, không xay đá, làm hóa chất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tổ chức truy quét, đẩy đuổi, nhưng vì lợi nhuận họ vẫn bất chấp. Hiện không chỉ người dân địa phương mà có cả người dân từ miền Bắc và các địa phương khác về đây khai thác vàng. Chúng tôi rất lo lắng và đã có văn bản báo cáo với cấp trên. Nói chung xã cũng làm hết cách rồi, nhưng không cách chi triệt nổi”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, trong số “vàng tặc”, ngoài các chủ bường, chủ bãi, đa số là dân nghèo ở địa phương và cả các nơi khác đổ về. Một phần do sống ngay trên mỏ vàng, đất sản xuất lại ít, người dân phải tìm cách mưu sinh bằng cách mót vàng, bòn vàng.
Nhưng đáng lo ngại, khai thác vàng trái phép nhưng những lao động này chưa hề trải qua bất kỳ một khóa huấn luyện khai thác hầm lò; không hề được trang bị bảo hộ lao động. Do đó họ luôn đối diện với hiểm nguy, đã có những vụ sập hầm gây chết người. Như vụ sạt lở núi Sũng Mùn, xã Tam Lãnh trong lúc khai thác vàng đã làm 6 người chết và mới đây là chết một người.
Quặng lực lượng chức năng thu giữ của vàng tặc.
Trong một lần truy quét vàng tặc ở Bồng Miêu.