Luôn truyền đi thông điệp “thể thao tạo nên sự kết nối”, nhưng chính các tổ chức, liên đoàn, hiệp hội của nhiều môn thể thao trên thế giới lại đang tạo ra sự chia rẽ. Nói cách khác, họ đang hành động theo cảm tính trước xung đột Nga - Ukraine.
Trong thông tin mới nhất, Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) đã có quyết định cấm các vận động viên khuyết tật từ Nga và Belarus tham dự Paralympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh. Đáng nói là, chỉ chưa đầy 24 giờ trước đó, họ vẫn tuyên bố, các vận động viên từ 2 quốc gia này vẫn được phép tham gia.
Điều đó cho thấy IPC đã phải chịu sức ép giống như những tổ chức như FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) hay IOC (Ủy ban Olympic quốc tế). Với lý do rằng họ lo ngại các đội tuyển, vận động viên đến từ các quốc gia khác phản đối thi đấu với các đồng nghiệp người Nga và Belarus sẽ dẫn đến những tác động xấu cho sự kiện.
Trước IPC, FIFA đã có màn “quay xe” tương tự. Ban đầu, họ vẫn để đội tuyển bóng đá Nga thi đấu tại vòng play-off vòng loại World Cup 2022 vào cuối tháng này, nhưng dưới tên gọi khác và không được dùng quốc ca và Quốc kỳ Nga (!). Chưa hết, cuối cùng thì họ đã lại thay đổi, loại luôn đội tuyển Nga “cho đến khi có thông báo mới”.
Nhưng việc FIFA “quay xe”, hay Liên đoàn quần vợt Ukraine đòi tước vị trí số 1 thế giới của Daniil Medvedev… chưa đáng sợ bằng hành động của IOC, khi tổ chức - xét trên khía cạnh thể thao, có tầm cỡ lớn nhất thế giới và được đại diện bởi 5 vòng tròn kết nối, biểu tượng cho sự đoàn kết, thì lại đi thúc giục các Liên đoàn thể thao tước quyền thi đấu của các vận động viên Nga cũng như Belarus tại các sự kiện quốc tế.
Nếu việc Tòa án trọng tài quốc tế (CAS) và IOC cho phép các vận động viên Nga thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 vừa qua dưới tên gọi và lá cờ của “Ủy ban Olympic Nga” vì vấn đề doping xảy ra trong thể thao Nga là hợp lý, thì hành động này của họ đã nhận được rất nhiều phản ứng và quan điểm trái chiều.
Các cầu thủ, vận động viên người Ukraine có thể phản ứng mạnh vì những gì xảy ra trên quê hương họ còn có thể hiểu, nhưng các tổ chức thể thao dường như đang khiến mình “sa lầy” vào “cuộc chiến” mà họ tự đưa mình vào một cách tự nguyện.
Kiện hay không thì chưa biết, nhưng từ góc độ khách quan, thể thao đang thất bại trong những hành động của mình.
Xét cho cùng thì cũng không phải là không phải không có cách giải quyết mà câu chuyện dưới đây là một ví dụ. Tay vợt Elina Svitolina, người Ukraine, từng tuyên bố không thi đấu với đối thủ người Nga, Anatasia Potapova, tại giải WTA Monterrey. Nhưng sau đó cô vẫn thi đấu, giành chiến thắng. Điều đó cho thấy đâu cần phải loại bỏ các đồng nghiệp, những người cùng thi đấu với mình tại đấu trường thể thao.