Thể thao Việt nam sau thành công Olympic 2016: Chuẩn bị ngay từ bây giờ

Khánh Vy 07/09/2016 09:05

Thể thao Việt Nam (TTVN) đang sống trong những ngày tươi đẹp nhất của mình sau kỳ tích giành 1 HCV, 1 HCB tạo Olympic 2016. Thành công này thực sự đáng ngợi ca nhưng vinh quang mấy rồi cũng sẽ qua và những vinh quang phía trước đang chờ đón TTVN chinh phục mới là quan trọng. Bởi vậy, ngay từ lúc TTVN sẽ phải làm gì để sẽ tiếp tục có vàng ở Olympic 2020. Đó là câu chuyện của tầm nhìn và sự đầu tư của TTVN ngay từ lúc này.

Từ kỳ tích Hoàng Xuân Vinh

Cột mốc lịch sử, niềm tự hào, nguồn cảm hứng lớn với TTVN đã đến sau thành quả giành 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016. Khó có từ ngữ nào có thể tả được niềm hạnh phúc và tự hào của người Việt Nam sau thành tích đó. Hành trình chinh phục đầy thuyết phục và đẳng cấp khi xác lập kỷ lục Olympic mới tại Rio của xạ thủ quân đội này đã cho một câu trả lời chính xác rằng TTVN hoàn toàn có thể vươn tới những đỉnh cao nhất của thế giới. Dù không phải tất cả, mức độ có thể khác so với những nền thể thao mạnh song nếu xác định chính xác mục tiêu thì TTVN thực sự có nhân tố, thế mạnh riêng của mình để hiện thúc hóa mục tiêu ấy.

Thành công của Xuân Vinh đang là cú hích to lớn với những người làm thể thao, của niềm tin và khát vọng vươn ra đấu trường thế giới. Sau những lần thi đấu không thành công ở ASIAD 2010 Quảng Châu, ASIAD 2014 Incheon và Olympic London 2012, TTVN đã có những chuyển hướng quan trọng là tập trung đầu tư trọng điểm cho các vận động ưu tú ở một số môn Olympic.

Thành tích vô cùng xuất sắc của Hoàng Xuân Vinh chính là câu trả lời chính xác nhất, đúng đắn nhất cho việc thay đổi tư duy đầu tư cho thể thao đỉnh cao trong thời gian qua và nó khác với những suy nghĩ “nếp cũ” nên đã mang lại những “ánh sáng” hy vọng. Thành quả của Xuân Vinh đem về lúc này ngoài niềm tự hào, nguồn cảm hứng lớn, với những người làm thể thao, đó còn là một một sự khẳng định vô cùng quan trọng cho chiến lược đúng đắn mà ngành đang theo đuổi. Thành công ngoạn mục của Xuân Vinh cũng minh chứng hiệu quả của sự đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư trọng điểm của ngành thể thao, rõ nhất từ sau cú để vuột huy chương của chính Xuân Vinh cách đây 4 năm. Ngoài tài năng đặc biệt, sự phấn đấu phi thường của Vinh, kỳ tích của Vinh còn đến từ việc các nhà quản lý đã sớm đưa tổ súng ngắn vào nhóm trọng điểm, mà trong đó vị Đại tá quân đội là “mũi nhọn” số 1. Bước tiến vượt bậc của Vinh có dấu ấn rõ ràng từ việc mỗi năm anh được tập huấn 3 đợt tại các trung tâm hiện đại nhất của Hàn Quốc, bên cạnh các hảo thủ hàng đầu, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia xịn, cùng 7-10 cuộc đấu quốc tế tầm cao.

Những hy vọng của tương lai

Sau chiến dịch Olympic Rio, các nhà quản lý cùng giới chuyên môn đã có cái nhìn rõ ràng nhất về khả năng tranh chấp huy chương của TTVN tại những sân chơi thế giới. Tại Olympic 2020 tới đây, TTVN có thể đặt hy vọng vào bắn súng, cử tạ và karatedo để có thể tiếp tục đem vàng về cho TT nước nhà. Môn bắn súng, sau kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh tại Rio cùng đang hứa hẹn có những nhân tố triển vọng khác. Ở đó, nếu được đầu tư đúng hướng thì Minh Thành sẽ tiếp tục có thể gánh trọng trách từ người đàn anh. Trong khi đó, dù 2 niềm hi vọng Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền đều thất bại song cử tạ vẫn là một trọng điểm hàng đầu cho đích nhắm huy chương Olympic. Không chỉ Tuấn, Huyền, cử tạ Việt Nam còn có một số gương mặt khác ở hai hạng cân nhỏ 48kg nữ và 56kg đang vươn lên mạnh mẽ. Đơn cử với nhà Á quân Olympic và thế giới Trẻ Nguyễn Trần Anh Tuấn, cũng ở hạng 56kg. Với 4 năm tới đây, kình ngư Ánh Viên cũng sẽ tiếp tục là một niềm hi vọng khác.

Ngay sau khi Olympic Rio khép lại, tín hiệu vui cũng đã đến với TTVN khi karatedo được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic 2020. Ở bộ môn này, ngoài “cha đẻ” Nhật Bản, Việt Nam luôn nằm trong nhóm hàng đầu châu lục. Chính karatedo từng mang về 4 tấm HCV tại các kỳ ASIAD, vượt trội so với các môn còn lại. Với 8 nội dung (2 biểu diễn, 6 đối kháng) tại Tokyo 2020, karatedo Việt Nam có cơ hội để tranh chấp sòng phẳng huy chương, ở nhiều nội dung, và kể cả Vàng. Quan trọng hơn, môn này đang nhận được sự đầu tư tốt, phát triển ổn định ở mức cao, có mối quan hệ hợp tác quốc tế chặt chẽ, cùng một hệ thống và phong trào rộng khắp.

Sự xuất hiện của karatedo đã mở thêm một “cửa” huy chương rất sáng, rõ nhất ở ngay Olympic 2020. Có thể nhìn nhận, xét về năng lực, cơ hội đua tranh, karatedo sẽ thực sự là “mũi nhọn” của TTVN trong những năm tới đây.

Cần chiến lược đầu tư mạnh mẽ

Sau kỳ tích Hoàng Xuân Vinh, có lẽ vấn đề của TTVN lúc này là chúng ta sẽ gì để tạo ra những tài năng có đẳng cấp như Vinh một cách bài bản, với cách làm vừa theo đúng chuẩn quốc tế vừa phù hợp và phát huy với tố chất con người, điều kiện riêng. Olympic 2020 còn 4 năm nhưng ngay từ lúc này sẽ có rất nhiều việc phải làm, cả lâu dài, trước mắt đến tầm vĩ mô. Nhìn vào thực tế lực lượng, quỹ thời gian 4 năm để TTVN “nuôi” những niềm hi vọng Vàng không hề dài, nếu không muốn nói phải triển khai quyết liệt ngay bây giờ mới có thể kịp.

TTVN cần có một chiến lược Olympic, được cụ thể hóa bằng các kế hoạch đầu tư với các giải pháp đột phá cùng nguồn kinh phí đảm bảo. Một Trường bắn mới hiện đại ở môn bắn súng, một trung tâm riêng cho môn cử tạ, hay một học viện karatedo quốc gia sẽ là những mô hình cần tính đến để tạo nền vững chắc cho những môn trọng điểm này để phục vụ đích nhắm mới trong tương lai.

Để chuẩn bị cho những thành quả tiếp theo thì việc cần đầu tư phương tiện, dụng cụ tập luyện thi đấu bao gồm nhà tập, các điều kiện tập luyện khác như xây dựng trường bắn tiêu chuẩn, các trang thiết bị tiêu chuẩn đầy đủ là thực tế cấp bách sớm phải được giải quyết. Bởi thực tế lúc này, những phương tiện này còn quá thiếu tại các trung tâm TT của Việt Nam. Cùng với đó, các VĐV đỉnh cao cần được đưa đi tập huấn quốc tế tại các trung tâm có điều kiện chuẩn thế giới…

Kinh phí của TTVN đầu tư cho cả một chiến dịch Olympic Rio chỉ 40 tỷ đồng, dù đã tăng lên đáng kể so với lần trước song vẫn rất khó khăn và quá ít so với các nước. TTVN đã đầu tư nhiều hơn trước nhưng vẫn không bằng các nước khác trong khu vực và vẫn còn ở quá xa so với các nước có nền thể thao tiên tiến. Để giải quyết bài toán này, ngoài sự quan tâm chăm lo của nhà nước còn rất cần một bước chuyển mạnh mẽ trong xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa thể thao ngay từ các Liên đoàn- Hiệp hội Thể thao.

TTVN phải có cách làm đúng và trúng nhất trong nguồn lực, điều kiện có thể của mình. Lãnh đạo ngành TTVN cần phân cấp quyết liệt để có thể chọn lựa, phát hiện, tập trung tối đa cho những tuyển thủ ưu tú của một số môn có đủ khả năng “lấy vàng”. Họ cần phải được đầu tư dài hạn theo một quy trình chặt chẽ, chuyên biệt và phải đạt chuẩn quốc tế.

Những tín hiệu chuẩn bị ngay từ bây giờ cũng đã được lãnh đạo ngành TT phát đi khi Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định “ngành thể thao phải tận dụng thành công của VĐV Hoàng Xuân Vinh làm cú hích để phát triển trong tương lai”. Olympic Rio khép lại, Việt Nam đứng hạng 48 trên 206 đoàn tham dự. Thành tích này giúp TTVN tự hào vì điều đó, tự hào vì nước mình, tự hào về TTVN, tự hào vì nước ta có thể không giàu bằng các nước nhưng vẫn làm được những điều kỳ diệu. Tuyên bố của bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã cho thấy hướng đầu tư cho thể thao thành tích cao ngay từ lúc này. Ở đó, chiến thắng của Xuân Vinh là niềm tự hào nhưng lúc này sẽ là những bài học kinh nghiệm quý được rút ra bởi Vinh quang mấy rồi cũng sẽ qua và những vinh quang phía trước đang chờ đón mới là quan trọng. “Cả ngành thể thao đã, đang và sẽ làm mạnh mẽ hơn để không chỉ bắn súng Việt Nam tiếp tục phát triển và có những thành tích mới. Chúng ta phải giành thành tích trên đấu trường quốc tế, châu lục và Olympic. Việt Nam phải tiếp tục đầu tư bài bản hơn, khoa học hơn trong điều kiện phải tiết kiệm” Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thể thao Việt nam sau thành công Olympic 2016: Chuẩn bị ngay từ bây giờ