Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam (TTVN) trên đấu trường Olympic với tấm HCV và lập kỷ lục Thế vận hội. Với thành tích này, có thể khẳng định ngay từ bây giờ đoàn TTVN đã có một kỳ Olympic thành công. Thế nhưng, thành công ấy chỉ đứng trên khía cạnh về thứ hạng, chứ không phải là thực lực thực sự của chúng ta ở đấu trường khắc nghiệt này.
VĐV Kim Tuấn.
Những thất bại được dự báo sớm
Lần đầu tiên TTVN tham dự Olympic với một lực lượng đông đảo VĐV, tới 23 người. So với các quốc gia trong khu vực, số lượng này ở mức khá cao. Tuy nhiên, đông chưa hẳn là tinh, TTVN vẫn có gì đó tranh tài tại Thế vận hội với tinh thần vượt lên chính mình, còn hy vọng huy chương vẫn rất mong manh và trông chờ nhiều vào may mắn.
Hãy nhìn vào những thất bại của rất nhiều VĐV ở ngay những cuộc tranh tài đầu tiên, mới thấy trình độ của Việt Nam vẫn còn thua xa các đối thủ thế giới. Tất nhiên các VĐV đều đã cố gắng hết sức và họ luôn thi đấu vì màu cờ sắc áo, nhưng trong thể thao, chiến thắng cũng là điều quan trọng, là mục tiêu. Nói cách khác, thành công của mỗi quốc gia, chỉ được bạn bè thế giới biết đến là những tấm huy chương.
Nguyễn Thị Như Hoa (kiếm 3 cạnh) lĩnh ấn tiên phong cho đoàn TTVN ở Olympic 2016. Dù đã thi đấu rất cố gắng nhưng VĐV này đã phải nhận thất bại 7-15 trước đối thủ người Pháp.
“Độc cô cầu bại” Văn Ngọc Tú (judo) sau khi may mắn vượt qua đối thủ ở vòng 1 vì không bị trọng tài trừ nhiều điểm (cả hai cùng bị trừ điểm vì không ra đòn), đã thua chóng vánh ở vòng 2 với đòn Ipon.
Ở môn TDDC, dù được kỳ vọng có huy chương nhưng cả hai VĐV hàng đầu là Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng của Việt Nam đều thi đấu không thành công. Được biết, trước khi thi đấu, hai VĐV này đều bị chấn thương, nên thất bại nằm trong dự đoán. Ở môn TDDC, các VĐV sẽ rất khó thực hiện được những động tác khó nếu không có thể trạng tốt nhất, đặc biệt là thể lực.
Ở môn bắn súng, nếu như Hoàng Xuân Vinh gây địa chấn thì đồng đội của anh là Trần Quốc Cường lại không thành công. Đã từ lâu, Quốc Cường được xem như “quân xanh” của Xuân Vinh, nên xạ thủ này không thể vào chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nam là điều được sớm dự báo.
Có một thực tế là dù giành vé dự Olympic, nhưng phần lớn các VĐV Việt Nam chỉ tới sân chơi này với mục tiêu vượt lên chính mình chứ hoàn toàn không có khả năng tranh chấp huy chương. Nhưng với những VĐV đáng ra có khả năng giành thành tích lại phải nhận thất bại, cho thấy TTVN vẫn chưa thể vượt tầm thế giới.
Cử tạ, bơi lội vẫn còn khoảng cách lớn
Sau Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn chính là niềm hy vọng huy chương còn lại của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN). Tự tin sẽ chinh phục ít nhất là tấm HCĐ, nhưng cuối cùng lực sĩ đang đầu quân cho TP HCM lại thất bại theo một kịch bản ít ai nghĩ tới.
Thạch Kim Tuấn chỉ vượt qua mức cử đẩy 130 kg, thất bại ở mức 133 kg. Còn ở cử giật, anh thất bại trong cả 3 lần nâng tạ với 2 mức 157 kg và 160 kg.
Theo giới chuyên môn đánh giá, chỉ cần Thạch Kim Tuấn thi đấu với hơn 90% sức lực, anh chắc chắn có huy chương. Mức tổng cử của VĐV người Thái Lan là 289 kg hoàn toàn có thể bị Tuấn đánh bại.
Chấn thương và đặc biệt là vấn đề tâm lý của Thạch Kim Tuấn được nhiều người chỉ ra. Đây rõ ràng không phải lỗi của mình lực sĩ này, mà từ khâu chuẩn bị chưa tới nơi tới chốn của TTVN.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn thừa nhận, một trong những hạn chế của thể thao Việt Nam hiện nay là công tác chuẩn bị tâm lý cho VĐV. Chúng ta hoàn toàn chưa có các HLV chuyên làm công tác tâm lý cũng như các nhà tâm lý để giúp các VĐV trong quá trình tập luyện và đặc biệt là trong lúc thi đấu.
Rạng sáng qua, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã kết thúc hành trình Olympic 2016 với nội dung 200 m hỗn hợp. Sau 3 nội dung, Ánh Viên không thể hoàn thành mục tiêu vào chung kết. Thành tích tốt nhất của Ánh Viên là ở nội dung 400 m hỗn hợp (xếp thứ 9, phá kỷ lục SEA Games).
Nói về thành tích ngày thi đấu cuối tại Olympic, Ánh Viên thừa nhận mình đã thi đấu rất tệ: “Thành tích của em hôm nay rất tệ. Cảm giác bơi của em không được tốt, đó là nguyên nhân chính khiến thành tích không như mong muốn. Em xin lỗi mọi người, em làm không tốt trong bài thi của mình. Thất bại của em phải cố gắng phấn đấu để không lặp lại thất bại”.
Trong những năm qua, Ánh Viên là VĐV được đầu tư lớn nhất, với số tiền lên tới 4 tỷ mỗi năm. Theo giới chuyên môn đánh giá, nếu tiếp tục được đầu tư đặc biệt, sau 4 năm nữa, khi bước vào độ tuổi chín của sự nghiệp, kình ngư người Cần Thơ mới có thể sẽ gây được bất ngờ ở sân chơi Olympic.
Có những thất bại được dự báo, có những thất bại đáng tiếc khi TTVN chưa có sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt cho VĐV. Hy vọng là từ những bài học này, các môn còn lại của Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm để thi đấu tốt hơn. Còn về lâu về dài, rõ ràng là sau Olympic 2016 chắc chắn được đánh giá là thành công này, chúng ta vẫn phải nhìn lại mình để xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp, đúng hướng.