Thẻ thông hành Covid-19, nên hay không?

Ngọc Mai 14/03/2021 08:00

Với việc thử nghiệm thẻ thông hành Covid-19 điện tử, Singapore Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên trên thế giới thí điểm mô hình này. Điều đó cũng có nghĩa là chấp nhận “hộ chiếu vaccine”- vấn đề đang gây tranh cãi.

Singapore Airlines cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm thẻ thông hành Covid-19 điện tử từ tuần tới. Theo đó, hành khách đáp chuyến bay từ Singapore đi London (Anh) từ ngày 15 đến ngày 28/3 sẽ có cơ hội tham gia thử nghiệm ứng dụng trên nếu họ có điện thoại sử dụng phần mềm iOS.

Ứng dụng do Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) phát triển này sẽ lưu trữ thông tin y tế của hành khách, bao gồm lịch sử xét nghiệm và tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm hỗ trợ công tác thông hành. Theo đó, những người tham gia chương trình thí điểm này cần xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành. Họ có thể xem kết quả và xác nhận cấp phép bay ngay trên ứng dụng. Trước chuyến bay, những người này phải xuất trình trạng thái đã được xác nhận trên ứng dụng với nhân viên làm thủ tục bay.

Được biết, một số hãng hàng không khác, bao gồm Air New Zealand và Emirates, cũng đã “rục rịch” đăng ký thử nghiệm “thẻ thông hành” Covid-19 này.

Theo IATA, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành vận tải hàng không do dịch bệnh kéo dài. Lỗ lũy kế được ước tính lên tới 117 tỷ USD và có thể ở mức 39 tỷ USD trong năm 2021.

Năm 2020, các hãng hàng không trên thế giới vận chuyển khoảng 1,8 tỷ lượt khách so với 4,9 tỷ trong năm 2019. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2003. Do các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh phong tỏa được áp đặt trong hai đợt dịch tại nhiều nước, lưu lượng vận chuyển quốc tế đã giảm tới 60%. Hoạt động vận chuyển nội địa cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Chính vì thế, trước thông báo của Singapore, đại diện phía IATA - ông Nick Careen nói rằng: “Sự hợp tác của chúng tôi với Singapore Airlines là nỗ lực triển khai tấm Travel Pass đầu tiên sẽ giúp thế giới “bay trở lại”.

ý định của Singapore mặc dù được hậu thuẫn bởi IATA thì vẫn gặp phải trở ngại khi mà nhiều quốc gia chưa cho phép người đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được tự do đi lại. Cũng có nghĩa là vận tải hành khách hàng không quốc tế vẫn chưa thể mở rộng.

Đáng chú ý, cho đến thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa ủng hộ ý tưởng cấp hộ chiếu vaccine để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng hiện chưa phải lúc để sử dụng hộ chiếu vaccine, bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế. Trên thực tế, việc triển khai hộ chiếu vaccine rất phức tạp, do các nước có quy định khác nhau về hạn chế đi lại, dữ liệu riêng tư cũng như tính hiệu quả của từng loại vaccine đối với các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2. Mỗi một khu vực lại sử dụng hệ thống khác nhau về thu thập, lưu trữ thông tin liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, còn có những lo ngại riêng về tình trạng bất bình đẳng giữa các nước khi thực hiện hộ chiếu vaccine.

Giám đốc Chương trình Khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan nhấn mạnh: “Vào thời điểm hiện nay, việc sử dụng hộ chiếu vaccine như một yêu cầu đi lại không được khuyến khích. Lý do rất đơn giản là vaccine hiện không đủ nguồn cung cho thế giới và chắc chắn nó cũng không được phân bổ trên cơ sở công bằng”.

Ông Ryan gần như trực tiếp nói đến “chủ nghĩa dân tộc vaccine” gây chia rẽ giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Trong khi đó, theo CNN, rất có thể bằng chứng tiêm chủng hoặc miễn dịch Covid-19 sớm trở thành chiếc vé vàng để tái khởi động du lịch, khi mà người ta đang ngóng chờ kỳ nghỉ mùa hè 2021. Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) Zurab Pololikashvili đã kêu gọi toàn thế giới áp dụng hộ chiếu vaccine ở quy mô lớn hơn và coi đó là một yếu tố không thể thiếu để ngành du lịch hoạt động lại.

“Tiến hành tiêm vaccine là một biện pháp đúng hướng nhưng tái khởi động lại du lịch không thể chờ đợi” - ông Pololikashvili phát biểu trước Ủy ban Khủng hoảng du lịch toàn cầu của UNWTO. Để tăng tính thuyết phục, ông Pololikashvilli dẫn ý kiến của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis trong một lá thư gửi tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, rằng phải chấp nhận chứng nhận tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu và coi đó là “một ưu tiên cơ bản cho tất cả. Những người đã được tiêm vaccine cần phải được đi lại tự do”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thẻ thông hành Covid-19, nên hay không?