Thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định ở Hà Nội

NAM ANH 10/09/2021 15:54

Nhằm cải thiện chất lượng không khí, trong giai đoạn 2021-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội sẽ đầu tư thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định.

Trạm quan trắc được lắp đặt trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Minh Quân.

Trước chiều hướng suy giảm và nhằm cải thiện chất lượng không khí, cũng như hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn Thủ đô, trong giai đoạn 2021-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội sẽ đầu tư thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định.

Tăng cường giám sát nguồn thải

Qua đó Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội sẽ tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ, 5 trạm quan trắc môi trường nước, 1 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động cố định, 6 trạm quan trắc nước dưới đất để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Được biết, Hà Nội đang là một trong những thành phố đi đầu trong cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường đồng bộ, hiện đại, công bố công khai dữ liệu quan trắc môi trường…

Và chính nhờ những số liệu được tổng hợp từ hệ thống quan trắc tự động liên tục, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã xác định nguyên nhân, truy tìm cụ thể từng nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Từ đó tham mưu, đề xuất UBND TP Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm cải thiện chất lượng không khí Thủ đô.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội liên tục cập nhật chỉ số chất lượng không khí AQI và chất lượng nước WQI của địa bàn Thủ đô trên website https://moitruongthudo.vn và https://chisoquantracnuoc.vn để toàn bộ người dân, du khách nước ngoài theo dõi.

Và gửi thông tin chất lượng không khí hàng ngày tới các cơ quan báo chí, truyền hình để đưa các bản tin môi trường không khí trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kịp thời khuyến cáo tới người dân các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa trong điều kiện chỉ số chất lượng không khí AQI có ảnh hướng tới sức khỏe.

Cũng theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, trong thời gian tới, Sở này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn thành phố. Đồng thời, ứng dụng phần mềm mô hình hóa dự báo ô nhiễm, kịp thời cung cấp số liệu ô nhiễm môi trường tới đông đảo người dân.

Được biết trước đó, chiều ngày 27/5/2020, TP Hà Nội tổ chức lễ tiếp nhận 24 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, nâng tổng số trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn Thủ đô lên con số 35 trạm.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội: những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng làm gia tăng phát sinh khí thải, bụi từ các phương tiện giao thông; hoạt động xây dựng, các hoạt động dân sinh đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác, rơm rạ… ảnh hưởng rõ nét của biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường không khí của Thủ đô.

Và để cải thiện chất lượng không khí, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn. Đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải. Theo đó, cần kiểm tra lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông và dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải.

Việc kiểm soát ô nhiễm không khí Thủ đô đang rất cấp bách. Ảnh: Minh Quân.

Mặt khác, Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.

Chất lượng không khí dần được cải thiện

Số liệu từ các trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã được cải thiện trong từng tháng. Nếu như, trong tháng 1/2021, 11 khu vực ở nội thành có từ 9 đến 21 ngày chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu thì sang tháng 2 và tháng 3, chỉ còn 5 khu vực có 1 đến 2 ngày chất lượng không khí ở mức xấu, không có ngày nào ở mức rất xấu; số ngày tốt và trung bình tăng.

Được biết, 3 tháng qua, Hà Nội không còn xuất hiện những đợt ô nhiễm nghiêm trọng. Có được kết quả này là do các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, triển khai các giải pháp hạn chế nguồn gây ô nhiễm.

Có thể nói, thời gian vừa qua, các địa phương đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND thành phố về xóa bếp than tổ ong và hạn chế đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch (đến đầu năm 2021, thành phố đã loại bỏ được 92% lượng bếp than tổ ong, giảm được 95% lượng rơm rạ đốt ngoài đồng ruộng).

Thông số bụi mịn PM 2.5 trên địa bàn Thủ đô đã giảm qua từng tháng, tuy nhiên vẫn thiếu bền vững và phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Một trong những nguyên nhân là có việc nguồn phát thải chính từ phương tiện giao thông chưa được xử lý căn cơ.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 6 triệu xe máy, hơn 500.000 xe ô tô, mỗi ngày xả ra môi trường một lượng lớn khí CO và bụi mịn PM 2.5. Trong khi đó, giải pháp của các cơ quan chức năng mới dừng ở việc thống kê nguồn thải và tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, thay thế xe cũ nát, không đạt tiêu chuẩn về khí thải...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định ở Hà Nội