Thêm một công trình sách về Thăng Long

Thảo Mộc 26/03/2021 06:38

PGS. TS Tống Trung Tín - nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cùng các cộng sự mới đây đã hoàn thành tập hợp, biên soạn cuốn sách “Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học”, dày gần 600 trang.

Giếng nước thời Trần trong khu Di tích Hoàng thành Thăng Long.

Nhà nghiên cứu Tống Trung Tín từng chủ biên, đồng chủ biên một số công trình có giá trị như “Hoàng thành Thăng Long, Thăng Long - Hà Nội lịch sử nghìn năm từ lòng đất”, “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học”, “Tổng tập Khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội”, “Di tích Khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long, Di vật tiêu biểu Hoàng thành Thăng Long 2002 - 2013”…

“Từng di tích, từng di vật khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội từ nguồn cội cho đến ngày nay đều là những chứng cứ tin cậy thể hiện tài năng, trí tuệ và lao động sáng tạo của nhân dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung cùng tạo nên nền văn hiến Thăng Long” - PGS Tín cho biết. Từ khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX, ông đã tham gia khai quật khảo cổ học ở khu vực Quần Ngựa. Từ năm 1998 đến nay, ông phụ trách rất nhiều các cuộc khai quật ở khu vực nội thành Hà Nội. Trong quá trình nghiên cứu, theo yêu cầu của các cấp quản lý, ông và các cộng sự đã chọn lọc sưu tầm, biên soạn và giới thiệu đôi nét về lịch sử Thăng Long qua một số di tích, di vật khảo cổ học. Từ năm 2010 đến nay, các phát hiện khảo cổ học về Thăng Long - Hà Nội ngày càng nhiều hơn, các chương trình nghiên cứu tổng hợp vẫn đang tiếp tục, nhiều luận điểm, luận cứ của chính ông và một số nhà nghiên cứu đã thay đổi không ngừng.

Theo ông Tô Văn Động - nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, hàng thế kỷ qua, khảo cổ học đã chú ý tìm lại dấu tích của Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất. Đáng chú ý nhất từ cuối năm 2002, Viện Khảo cổ học đã phát lộ khu di tích Trung tâm Hoàng thành, góp phần quyết định đem lại cho Thủ đô và đất nước một Di sản Thế giới được Unesco vinh danh năm 2010. Quá trình khảo cổ đã mang lại những nguồn tư liệu mới cực kỳ phong phú để giới nghiên cứu tiếp cận tìm hiểu lịch sử văn hiến Thăng Long.

“Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học” được tập hợp, biên soạn công phu. Nói như PGS.TS Trần Đức Cường - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thì công việc nghiên cứu khảo cổ học là cực kỳ gian khổ và lâu dài. Lúc này, tất cả các dự án chỉnh lý lớn của khảo cổ học về Thăng Long đều đang còn dang dở. Đó cũng chính là đặc thù của khảo cổ học và điều đó cũng phản ánh một phần giá trị của khu di sản. Nhưng, nhu cầu tìm hiểu về văn hiến Thăng Long dù chỉ ở mức độ khái quát cũng là vô cùng cần thiết. “Việc công bố một ấn phẩm như thế này sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu nói trên, và qua đây ta cũng thấy phần nào giá trị tầm cỡ thế giới của Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”.

Đầu phụng, gốm kiến trúc thời Lý, được sử dụng trang trí trên nóc mái cung điện, khai quật ở Di tích Hoàng thành Thăng Long.

Vẫn theo PGS Cường, do điều kiện chủ quan và khách quan, nguồn tư liệu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội gồm tư liệu chữ viết, tư liệu vật thể và phi vật thể đều bị mai một gần hết, nhất là các tài liệu thuộc về các thời kỳ lịch sử xa xưa. Vì vậy, để hiểu về lịch sử văn hóa, văn minh của Thăng Long - Hà Nội phải có cách tiếp cận liên ngành, đa ngành với sự giúp sức của nhiều tổ chức, cơ quan thì mới hi vọng hiểu được phần nào những giá trị của các chủ nhân của văn hóa, văn minh Thăng Long - Hà Nội tạo ra. Một trong những hướng tiếp cận có hiệu quả là tiếp cận khảo cổ, bởi hàng nghìn năm qua, di sản vật thể Thăng Long - Hà Nội đồ sộ dù đã bị mai một gần hết, thậm chí không còn gì trên mặt đất thì do ngẫu nhiên hoặc may mắn vẫn còn lưu đọng ít nhiều trong lòng đất.

Còn nói như vị chủ biên cuốn “Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học” thì công cuộc khai quật những gì ẩn giấu trong lòng đất kinh thành Thăng Long còn phải vài ba thế kỷ nữa. “Tôi khẳng định điều này bởi trên thế giới các di sản tương tự như thành phố Pompei của Italia đã khai quật hơn hai thế kỷ qua bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII; Nara - kinh đô thế kỷ VII của Nhật Bản đã nghiên cứu hàng trăm năm qua bắt đầu từ năm 1852, mà bây giờ vẫn đang tiếp tục hằng năm, trong khi nghiên cứu di sản Thăng Long thực sự mới chỉ bắt đầu từ năm 2002”- PGS Tín nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, rất cần thiết phải có các công bố kịp thời, dù chỉ là sơ lược để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội của các nhà nghiên cứu. Trong ý nghĩa đó thì cuốn “Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học” là rất quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm một công trình sách về Thăng Long