Theo dấu chân Đại tướng

Hoàng Minh 21/12/2021 17:34

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 21/12, chương trình khai mạc Triển lãm thơ diễn ca lịch sử “Theo dấu chân Đại tướng” đã được diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ( 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đây là lần đầu tiên, một cuộc triển lãm thơ diễn ca lịch sử và nhân vật lịch sử, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung phối hợp tổ chức. Triển lãm gồm 110 bài thơ được sáng tác bởi nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung - người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, nhiều bài thơ về vị tướng tài ba trong suốt hơn 20 năm qua.

Triển lãm được chia làm 3 chủ đề.

Triển lãm gồm 3 chủ đề. Trong đó, phần 1 “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” giới thiệu về toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng đối sách chiến đấu, từng trận chiến giằng co trên chiến trường Điện Biên Phủ gắn với những địa danh huyền thoại: Đồi A1, đồi C1, đồi E1, cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi Độc lập, đồi Him Lam, hầm Đờ cát... được tái hiện sinh động súc tích qua những lời thơ, lời diễn ca mộc mạc giản dị của nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung và được giới thiệu nhuần nhuyễn với những bức ảnh lịch sử vô giá, giàu cảm xúc.

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Chủ đề 2 “Vị tướng trong lòng dân” giới thiệu những khoảnh khắc đời thường, dung dị về một vị Tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Đó là những phút giây bình dị an nhiên giữa đời thường, hay những khoảnh khắc phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sỹ, hoặc giản đơn là nụ cười ấm áp với những người thân trong cuộc sống thường nhật.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mỹ Dung tại nhà riêng năm 2005.

Cuối cùng, chủ đề “Sáng mãi ngàn năm” khẳng định tình yêu, niềm kính phục của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tình yêu và sự kính trọng dành cho Đại tướng qua những khoảnh khắc xúc động trong ngày Lễ Quốc tang, tiễn đưa Đại tướng về quê nhà Quảng Bình.

Nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung - tác giả của 110 bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại lễ khai mạc, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung - tác giả của 110 bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ, trong giờ phút này, tôi có cảm xúc lẫn lộn, vừa vô cùng tưởng nhớ, tri ân, ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lại vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và ekip cả trong và ngoài Bảo tàng kết hợp với nhau để tổ chức cuộc triển lãm này rất là mỹ mãn, rất là hoàn thiện. Tôi xin cảm ơn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, địa chỉ tin cậy quen biết của phụ nữ, của riêng tôi. Và tôi đã đến nhiều lần để tôi gửi gắm tình cảm, tâm nguyện của tôi và cả trí tuệ của tôi trong việc tri ân Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh, tháng 1/1954.

Tác giả của 110 bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cho biết, may mắn tôi được Bảo tàng đã hồ hởi đón nhận 110 bài thơ của tôi để tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm sự kiện 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và kết hợp với hôm nay là sắp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân thì quá ý nghĩa rằng người anh cả của toàn quân được trưng bày, được tri ân cùng với sự kiện thành lập quân đội. Từ đó, hai hình ảnh đó gắn liền nhau, tôi rất lấy làm hạnh phúc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tháng 12/1984.

Cũng tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân bày tỏ, điều đặc biệt của triển lãm lần này, là lần đầu tiên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm diễn ca bằng thơ của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung - một người phụ nữ với tấm lòng tri ân tôn kính dành cho người Đại tướng huyền thoại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nhà giáo Phan Thị Xuân Trà nhân dịp bà được nhận Bằng Gia đình có công với cách mạng năm 1992.

Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ, với cách tiếp cận độc đáo, triển lãm đã minh chứng rằng cách tiếp cận của người phụ nữ luôn tạo ra sức mạnh riêng từ sự mềm mại và nữ tính trong tâm hồn, và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Với 110 bài thơ giản dị mộc mạc, cùng hàng trăm bức ảnh tư liệu, triển lãm không chỉ là lời tri ân sâu sắc với vị đại tướng tài ba của dân tộc, mà còn tái hiện dấu son lịch sử, những bài học về sự đoàn kết đồng lòng phát huy sức mạnh tập thể của dân tộc Việt Nam từ hơn một nửa thế kỷ trước. Triển lãm được khai mạc tại thời điểm này với ý nghĩa và mong muốn truyền thêm cảm hứng cho những người dân Việt Nam hôm nay phát huy truyền thống đoàn kết, chung tay làm nên sức mạnh vượt qua đại dịch Covid-19 tiếp tục hành trình đưa đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ, năm 1954.

Có mặt tại chương trình, ca sĩ Mỹ Linh và ca sĩ Tùng Dương thể hiện những ca khúc gắn liền với người Hà Nội như “Khát vọng”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Người Hà Nội”, Màu hoa đỏ” và đặc biệt là ca khúc “Việt Nam - Võ Nguyên Giáp” được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung với giai điệu hào hùng, chan chứa đầy tình cảm tôn kính và cảm xúc tự hào về một vị tướng vĩ đại.

Thông qua triển lãm này, BTC hy vọng đây sẽ là món quà ý nghĩa và lời tri ân, tưởng nhớ vị tướng nhân hậu của dân tộc Việt Nam, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự của thế giới với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Theo dấu chân Đại tướng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO