Theo dấu những con tàu vỏ thép - Bài 2: Lúng túng xử lý hậu quả

Anh Tuấn 08/07/2017 07:50

Trước sự việc 18 con tàu vỏ thép được đóng theo NĐ67 ở Thanh Hoá gặp sự cố, chiều 5/7, UBND TP Sầm Sơn đã tổ chức cuộc họp giữa một chủ tàu với nhà thầu thi công nhằm tìm biện pháp giải quyết.

Tại cuộc họp này, nhà thầu và chủ đầu tư vẫn chưa đạt được sự thống nhất về phương án hỗ trợ sửa chữa đèn ba lát, hệ thống điện. Song, cho dù có đạt được thỏa thuận thì đây cũng chỉ là trường hợp đơn lẻ so với 18 con tàu gặp sự cố.

Con tàu vỏ thép của gia đình ông Nguyễn Văn Muộn bị hư hỏng nhiều thiết bị.

Chưa đạt được thoả thuận

Ông Nguyễn Văn Muộn, chủ tàu vỏ thép TH 93968 TS được đóng theo NĐ67 cho biết: Tàu của ông hạ thủy từ tháng 10/2016 đến tháng 6-2017, ông tổ chức 9 lần ra khơi, trong cả 9 lần, tàu đều bị hư hỏng, mỗi lần phải nằm bờ sửa chữa từ 15 - 30 ngày.

Sau khi nhận phản ánh của chủ tàu Nguyễn Văn Muộn, đại diện UBND TP Sầm Sơn cử cán bộ xuống kiểm tra nắm bắt tình hình và liên lạc với Cty cổ phần Đại Dương (nhà thầu) đề nghị có cuộc làm việc với chính quyền, hộ ông Muộn.

Tiếp đó, Cty cổ phần Đại Dương có hỗ trợ chi phí sửa chữa đối với con tàu này. Nhưng đến thời điểm hiện tại còn hệ thống điện và đèn ba lát chưa đảm bảo.

Tại buổi họp ngày 5/7, với sự tham gia của đại diện UBND TP Sầm Sơn, UBND phường Quảng Cư, Sở NNPTNT Thanh Hóa, Cty cổ phần Đại Dương, các ngân hàng tham gia cho vay vốn và chủ tàu Nguyễn Văn Muộn.

Vậy nhưng, kết thúc buổi buổi làm việc, giữa chủ tàu và Cty cổ phần Đại Dương vẫn chưa đạt được sự thống nhất về phương án hỗ trợ sửa chữa đèn ba lát, hệ thống điện của con tàu mang số hiệu TH 93968 TS.

Mọi việc có vẻ đang diễn biến khá phức tạp khi UBND TP Sầm Sơn, Sở NNPTNT Thanh Hóa đề nghị chủ tàu và đơn vị đóng tàu cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến quá trình thực hiện dự án, tổ chức nghiệm thu, bảo hành, vận hành... trước ngày 10/7 để tìm phương án giải quyết những vấn đề còn tồn đọng chưa đi đến thống nhất tại buổi làm việc này.

Con tàu của gia đình ông Muộn có tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng, công suất 829CV, chủ yếu vay từ ngân hàng. Tàu hoạt động chưa được một năm, đã có những hỏng hóc.

Ông Muộn nói: “Tàu trục trặc máy phát điện, tời yếu, hầm bảo quản không đạt yêu cầu. Riêng hệ thống điện lắp đặt trên tàu không đúng theo khái toán được duyệt và thiết kế khiến xảy ra tình trạng cháy nổ trong quá trình khai thác. Phần tụ bóng, dây điện có tiết diện nhỏ nên bị chập nổ, không đúng như mẫu thiết kế...”.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Quang Dưng- GĐ Cty cổ phần Đại Dương lại khẳng định: “Nhà máy luôn sát cánh, đồng hành và có trách nhiệm hỗ trợ chủ tàu.

Khi tàu ông Muộn đã hết bảo hành, nhưng Công ty vẫn cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra tình trạng hư hỏng. Đến nay, Công ty đã hỗ trợ chủ tàu 366 triệu đồng để sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng”.

Cần làm rõ trách nhiệm

Báo cáo của Sở NNPTNT Thanh Hóa cho thấy: Sau hơn 3 năm triển khai NĐ67, đến đầu tháng 7/2017, tỉnh Thanh Hóa có 46 tàu khai thác hải sản xa bờ đã đi vào hoạt động, gồm 23 tàu vỏ thép, 23 tàu vỏ gỗ, một tàu vỏ thép khác đang trong giai đoạn hoàn thành.

Tuy nhiên đến thời điểm này đã có 18/23 tàu vỏ thép gặp phải hư hỏng, trục trặc về máy phát điện, cẩu, tời, hầm bảo quản, gãy tăng gông, trong đó có 4 tàu nằm bờ.

Sở NNPTNT Thanh Hóa đã thành lập đoàn công tác phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các địa phương và chủ tàu vỏ thép để kiểm tra, nắm bắt tình hình, tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Ngoài ra ngành nông nghiệp Thanh Hóa gửi công văn đến các cơ sở đóng tàu, yêu cầu khắc phục những trục trặc của tàu theo đúng hợp đồng kinh tế đã ký trong thời gian ngắn nhất.

Ông Nguyễn Văn Toản- Phó Trưởng phòng NNPTNT thuộc UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện Hậu Lộc có 13 tàu cá vay vốn đóng mới theo NĐ67 đã đi vào khai thác hải sản trên biển.

Trong đó có 8 tàu vỏ thép, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhiều tàu đều gặp sự cố về máy phát điện, hệ thống tời, cẩu... phải đưa đến cơ sở đóng tàu khắc phục hoặc tự sửa chữa, dẫn đến hậu quả mỗi chuyến đi biển, ngư dân lỗ từ 200 đến 350 triệu đồng/tàu.

Chính vì vậy hầu hết chủ tàu chưa có kinh phí hoặc nếu có thì phải đi vay ngoài để trả nợ cho các ngân hàng thương mại theo hợp đồng đã ký...

Trước thực trạng trên, UBND huyện Hậu Lộc đã thực hiện rà soát, thống kê những hư hỏng của tàu cá và đề nghị các cơ sở đóng tàu thực hiện việc sữa chữa, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị hư hỏng để bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho ngư dân.

Thế nhưng, thực tế theo tìm hiểu, gần như các địa phương ven biển có tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ67 còn lúng túng trong cách giải quyết, khắc phục, đang chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên.

Ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Sau khi hư hỏng, các chủ tàu đã liên hệ với nhà máy nhưng chỉ nhận được lời hứa và thực tế không có ai đến sữa chữa, thay thế những hư hỏng.

Các chủ tàu phải vay tiền ngoài để thuê thợ tự sửa chữa, nhưng vẫn không khắc phục triệt để được, các chuyến biển tiếp theo đều xảy ra sự cố.

Cao hơn, Sở NNPTNT Thanh Hoá cũng đã báo cáo kết quả tổng hợp lên UBND tỉnh và Bộ NNPTNT. Điều này cho thấy, ngành chức năng vẫn đang lúng túng trong việc đưa ra hướng xử lý đối với vấn đề tàu vỏ thép.

Ông Nguyễn Nhật Luật- cán bộ phụ trách thủy sản xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, cho biết: Xã Nghi Sơn đề nghị các sở, ngành có liên quan cần xác định rõ những chủng loại vật tư dùng để đóng tàu có đúng với hợp đồng thiết kế hay không, qua đó cần làm rõ trách nhiệm của các bên.

còn nữa...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Theo dấu những con tàu vỏ thép - Bài 2: Lúng túng xử lý hậu quả