Giới chuyên gia cho rằng, đối với việc điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục...cần có sự chủ động tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.
Trong năm 2019, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4%. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá năm 2019 và căn cứ các kịch bản điều hành giá đã được thống nhất, Chính phủ quyết tâm điều hành giá nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 3,3% đến 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6-1,8%.
Để cố gắng đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Ban Điều hành giá đã xác định rõ nhiệm vụ. Trong đó chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát, cân đối cung cầu để bình ổn thị trường; đặc biệt là trong các thời điểm lễ, Tết, đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động. Ban Điều hành giá cũng xác định với một số mặt hàng thiết yếu theo các giải pháp đã được đề ra theo nguyên tắc điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; thận trọng trong việc điều hành giá những tháng đầu năm để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm.
TS. Lê Quốc Phương – Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, năm nay mục tiêu tăng trưởng GDP tương đối cao, trong khi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chưa đổi mới căn bản cũng là nguyên nhân tạo sức ép lên lạm phát. Diễn biến giá cả các mặt hàng tiêu dùng đang có nhiều điểm không được như ý. Ông Phương phân tích, giá xăng dầu trong năm 2018 giảm mạnh nhưng mặt bằng giá, đặc biệt là giá cước taxi cũng như giá dịch vụ vận chuyển không hề giảm. Giá các mặt hàng vẫn đứng im tại chỗ.
Nhiều chuyên gia lo ngại việc quản lý giá của các cơ quan chức năng nếu không điều hành tốt sẽ biến những yếu tố hỗ trợ giảm lạm phát thành kéo tăng lạm phát. Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc giữ lạm phát dưới 4% trong năm 2019 cũng là thách thức không nhỏ, khi giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016 – 2020 nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể, có thể tác động tới chỉ số giá tiêu dùng.
Nhìn lại năm 2018 cho thấy, công tác điều hành giá đã được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu và dịch vụ công theo lộ trình thị trường được thực hiện vào các thời điểm phù hợp, song song với việc bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát. Kết quả điều hành giá đã góp phần kiểm soát lạm phát bÌnh quân ở mức 3,54% năm 2018, là năm thứ ba liên tiếp đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4% góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chỉ đạo điều hành của Chính phủ, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.