Phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho biết, hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, từ tháng 11/2016 ngành Thuế sẽ tiến hành thí điểm hoàn thuế điện tử tại 5 tỉnh, thành phố lớn.
Theo mục tiêu mà ngành thuế đưa ra, trong giai đoạn 2016 - 2017, 95% hồ sơ hoàn thuế sẽ được tiếp nhận bằng điện tử. Theo lộ trình này, mục tiêu của ngành thuế là đến tháng 11-2016 sẽ thí điểm hoàn thuế điện tử tại 5 thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai. Từ tháng 12/2016 sẽ thêm 8 địa phương thực hiện, phấn đấu đến cuối năm 2017 hoàn thành được mục tiêu 95% hoàn thuế điện tử.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 110/2015/TT-BTC hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng và nhận kết quả điện tử. Có hai trường hợp mà người nộp thuế (NNT) cần lưu ý khi tiến hành làm thủ tục hoàn thuế: Đối với hồ sơ khai thuế đã có nội dung khai đề nghị hoàn thuế, thực hiện đồng thời với việc lập và gửi hồ sơ khai thuế điện tử. Đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế là giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN và tài liệu kèm theo, NNT sẽ truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; thực hiện lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế, ký điện tử và gửi tiền đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của NNT qua mạng, cơ quan thuế sẽ gửi quyết định hoàn thuế, hoặc quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu NSNN cho NNT qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian.
Thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, NNT có thể biết được hồ sơ hoàn thuế của mình đang được giải quyết ở khâu nào, có vướng mắc, hoặc cần bổ sung hồ sơ, giấy tờ gì cũng sẽ được thực hiện qua mạng.
Trong vòng 6 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế, NNT sẽ được cơ quan thuế trả lời có hay không được hoàn thuế. Thủ tục hoàn thuế điện tử được nhận định là đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, không mất thời gian đi lại nhiều lần, giảm các chi phí không cần thiết cho DN. Điều này được kỳ vọng là sẽ giảm sự tiếp xúc giữa NNT và cán bộ thuế, từ đó hạn chế được các nhũng nhiễu.
Báo cáo mới nhất từ Tổng cục thuế cũng cho biết từ đầu năm đến hết tháng 7/2016, tổng số thuế GTGT được hoàn là hơn 58 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền thuế bị từ chối hoàn là hơn 12 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, từ đầu năm đến hết tháng 7, cơ quan thuế đã tiếp nhận 13.962 hồ sơ đề nghị hoàn thuế, cùng với 2.515 hồ sơ hoàn thuế được chuyển từ năm 2015 sang, tổng số hồ sơ hoàn thuế cần giải quyết là hơn 16 nghìn hồ sơ. Trong thời gian này, cơ quan thuế đã ban hành được 12.173 quyết định hoàn thuế.
Theo bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và hoàn thuế (Tổng cục Thuế), việc thực hiện Luật 106, Nghị định 100 và Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn hoàn thuế đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác hoàn thuế. Theo đó, trong 6 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế phải trả lời là thuộc hoàn trước hay kiểm trước.
Cơ quan thuế cũng cho biết, trong thời gian tới, việc hoàn thuế sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ hoàn trước kiểm tra sau. Trước lo ngại về việc hoàn thuế nhanh có thể gây rủi ro, sai phạm, cơ quan thuế cho biết, mặc dù nỗ lực tăng tỷ lệ hoàn thuế trước kiểm tra sau theo tinh thần tại Nghị quyết của Chính phủ, song việc hoàn thuế cũng được thực hiện theo các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo không sai phạm trong quá trình này. Phấn đấu số hồ sơ hoàn trước kiểm tra sau đến cuối năm 2016 đạt ít nhất 80%.