Những năm trước đây, tình hình rác thải sinh hoạt ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường... được xem là vấn đề nan giải của chính quyền cơ sở. Hầu hết lượng rác thải được các địa phương thu gom, kiếm những chỗ đất trống hoặc hầm đất thuộc đất công để đổ lộ thiên. Tuy khối lượng không nhiều nhưng qua thời gian, dần dần những đống rác lộ thiên này gây ô nhiễm môi trường và không còn đủ diện tích để chứa.
Những lò đốt rác thải sử dụng công nghệ đang được xây dựng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Ngân Văn Giang- phó chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng (Long An), trước khi tỉnh Long An đầu tư xây lò đốt rác cho xã, tình hình ô nhiễm về rác thải rất bức xúc do chưa có nơi gom, xử lý ổn định khiến dư luận người dân bất bình, nhất là đối với xã nông thôn mới.
Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An cùng với các huyện nghiên cứu, đề xuất và lắp đặt lò đốt rác với công suất từ 10-15 tấn/ngày để làm thí điểm. Nguồn kinh phí đầu tư khoảng 8 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp môi trường của tỉnh để hỗ trợ cho 2 huyện Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.
Ông Nguyễn Tân Thuấn- phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho biết: Qua hơn 2 tháng hoạt động, bước đầu lò đốt cho hiệu quả khá tốt. Lò đốt được xây dựng đảm bảo khí thải theo tiêu chuẩn 61 về khí thải của những lò đốt rác và đốt rác bằng hai cấp. Chi phí vận hành khoảng 320.000 -330.000 đồng/tấn vẫn rẻ hơn từ 860.000- 870.000 đồng/tấn so với phương án vận chuyển đến Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tại huyện Thạnh Hóa hiện nay.
Ông Ngân Văn Giang cho biết thêm, sau khi được tỉnh, huyện đầu tư lò đốt rác đặt tại vị trí ấp Hưng Thạnh, rác thải trên địa bàn xã đã được gom về xử lý ổn định, đúng theo quy trình, khoa học. Về cảnh quan môi trường cũng như vệ sinh của xã Hưng Thạnh hiện không còn hôi thối do rác thải và không còn phản ánh của người dân.
2 lò đốt rác thải trên do các công ty trong nước chế tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo tiêu chuẩn Thông tư 61 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Lò cấu tạo theo nguyên tắc 2 cấp, vận hành có phần thủ công là đưa rác vào lò, phân loại trước khi đưa vào lò. Rác đưa vào lò có độ ẩm chỉ 30-50%, nếu rác ướt hơn không thể đốt được. Khi rác vào lò và hoạt động liên tục thì không cần nhiên liệu, rác tự cháy sẽ sấy khô phần rác tiếp tục đưa vào sau; tiếp đến buồng thứ cấp để đốt khói ở nhiệt độ 1.000 độ C, khí thải ra đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Qua kiểm tra thực tế của các ngành chức năng, chất lượng không khí đều đảm bảo theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với công suất lò không lớn, chỉ đáp ứng được những khu vực địa phương phát sinh rác ít.
Hiện tại, 2 lò đốt trên đã vận hành được 2-3 tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An sẽ cùng với các huyện theo dõi, tính toán chi phí, hiệu quả của lò. Nếu kết quả tốt sẽ đánh giá và báo cáo UBND tỉnh Long An để nhân rộng ra những địa phương phù hợp- ông Nguyễn Tân Thuấn, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An cho biết.