Nghị định 04/2021/NĐ-CP Chính phủ mới ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3, cho thấy nhiều điểm mới khi quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Về hình thức phạt tiền đối với sai phạm, mức phạt tối đa là 50 triệu đồng với cá nhân, 100 triệu đồng với tổ chức. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Đáng chú ý, với sai phạm làm không đúng đề án tuyển sinh sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng.
Với vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh, các tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 10 - 60 triệu đồng. Cụ thể, bên vi phạm sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng nếu thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành; thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định của pháp luật hiện hành. Các hành vi công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành có thể bị phạt mức cao hơn, từ 20 - 30 triệu đồng. Không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện bị phạt từ 40 - 60 triệu đồng.
Với nhóm vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh, mức phạt tiền cao dần lên theo cấp, bậc học. Vượt từ 3% chỉ tiêu trở lên là đã bị phạt.
Cụ thể: Cấp THPT bị phạt nhẹ, từ 1 - 20 triệu đồng (mức 20 triệu đồng dành cho nơi tuyển vượt từ 20% chỉ tiêu trở lên). Ở trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viên, mức phạt từ 2 - 40 triệu đồng. Ở trình độ đại học, mức phạt từ 5 - 70 triệu đồng, cụ thể: tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng; tuyển vượt từ 10% đến dưới 15% phạt từ 10 - 30 triệu đồng; tuyển vượt từ 15 đến dưới 20% phạt từ 30 - 50 triệu đồng; tuyển vượt từ 20% trở lên bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng. Tuyển sinh để đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ vượt chỉ tiêu bị phạt nặng nhất, mức phạt tối đa lên đến 80 triệu đồng (tối thiểu 10 triệu đồng). Biện pháp khắc phục hậu quả chung với nhóm vi phạm này là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Đặc biệt, thi thay, thi hộ bị phạt tối đa 16 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định mức phạt đối với một số hành vi khác trong lĩnh vực giáo dục.
Đây là những quy định rất quan trọng góp phần làm lành mạnh môi trường học đường, được dư luận tán đồng.