Thí sinh thi đánh giá tư duy than khó nhưng không áp lực, tại sao?

Hương Thu 15/07/2022 19:00

Đây là chia sẻ của nhiều thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy do trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hôm nay 15/7. Đề thi được một số thí sinh đánh giá khó và dài, yêu cầu tư duy nhiều thay vì đọc lướt đã có đáp án.

"Đánh lụi vì đề dài"

Đây là chia sẻ của thí sinh Vũ Quốc Huy, học sinh trường THPT Yên Mỹ Hưng Yên. Em lên Hà Nội từ ngày 14/7 cùng với bạn và tự thuê nhà trọ, tự đi thi.

Dù đã có sự chuẩn bị cho bài thi song khi đọc đề, em vẫn thấy "ngợp" vì nhiều câu khó, phải mất thời gian suy nghĩ mới ra đáp án chứ không thể đọc xong câu hỏi là biết luôn đáp án như đề thi tốt nghiệp THPT 2022 vừa qua.

"Em nghĩ nếu còn thời gian để đọc kỹ thì cũng có thể trả lời chắc chắn hơn nhưng vì đến phần cuối không kịp, em "đánh lụi" khoảng 10 câu mà hầu như không kịp đọc. Kinh nghiệm cho các cuộc thi sau này là cần phải tăng tốc phần đọc hiểu hơn" - Huy nói.

Thí sinh Nguyễn Thành Trung cho biết đề thi khá khó so với đề thi tốt nghiệp THPT 2022.

Kết thúc kỳ thi, trong khi đứng chờ người nhà tới đón, thí sinh Nguyễn Thành Trung, THPT Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết sáng sớm em bắt xe lên thi và về trong ngày, không ở trọ, tuy nhiên cũng không thấy mệt.

Về đề thi, em đã ôn theo đề minh họa, tìm kiếm thêm đề thi trên mạng nhưng vì là câu hỏi tư duy nên với em, câu nào cũng mới, chưa gặp bao giờ. Tuy vậy, em vẫn có hy vọng với trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, khoa cơ khí.

Một hướng đi khác em cũng đang cân nhắc là ngành vật lý - khoa học cơ bản và kết quả thì vẫn phải chờ điểm thi được công bố mới tiếp tục đặt nguyện vọng xét tuyển đại học.

Đón con từ cổng trường phụ huynh của học sinh Hà Lê Quang Huy (Trường THPT Yên Mỹ, Hưng Yên) vui vẻ hỏi thăm con có mệt không, rủ con cùng đi ăn trưa và nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi thi chiều.

Hai cha con thí sinh Quang Huy chia sẻ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết về kỳ thi.

"Sau thi, 2 bố con tôi sẽ tự đi xe về nên cũng không vất vả. Gia đình xác định cho cháu đi thử sức, thêm một trải nghiệm còn vẫn luôn định hướng cho con các trường vừa sức, không quá áp lực phải trường top trên" - phụ huynh này bày tỏ.

Còn Quang Huy thoải mái cho biết nếu điểm thi tốt thì em sẽ đăng ký vào trường ĐH Bách Khoa, khoa cơ điện tử, còn nếu không cũng có hơn 20 trường khác cũng khối kỹ thuật sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Ngoài ra, em cũng đang chờ kết quả thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển với một nguyện vọng đã rất tự tin là trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.

"Bản thân tôi cũng đang làm trong ngành cơ điện tử nên hoàn toàn có thể nghề dạy nghề cho con nhưng tôi cũng xác định, nếu được đào tạo bài bản trong nhà trường thì con sẽ đi được xa hơn, vững hơn" - phụ huynh của thí sinh Quang Huy nói.

"Trải nghiệm và cọ xát là chính"

Là thí sinh đã trúng tuyển trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khoa Công nghệ thông tin Việt Nhật bằng phương thức xét tuyển tài năng, Nguyễn Tấn Đạt (học sinh lớp 12 trường THPT Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết mình tham dự kỳ thi để "cọ xát là chính".

Dù đã trúng tuyển trường ĐH Bách khoa Hà Nội với phương thức xét tuyển tài năng, Tấn Đạt
vẫn tham dự kỳ thi để học hỏi.

"Lệ phí thi em đã đóng từ trước. Cũng đã có sự chuẩn bị cho kỳ thi này nên em vẫn quyết định đi thi. Tuy nhiên, do tối trước đó em cùng các bạn thuê trọ trong ký túc xá của trường, ngủ không quen như ở nhà nên buổi sáng, em làm bài thi chưa phát huy được hết năng lực của mình" - Đạt chia sẻ.

Thí sinh đến từ Hưng Yên này cũng cho biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 em tự chấm được khoảng toán 9, lý 8, hóa 9,25, tổng 26,25 điểm trong khi các nguyện vọng em thích mọi năm đều lấy trên 27 điểm nên em xác định sẽ không sử dụng điểm thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển vào đại học.

Em cũng tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội song số điểm cũng không quá cạnh tranh (115 điểm) nên em cũng sẽ tập trung vào duy nhất 1 nguyện vọng đã đỗ.

"Sau đây, em sẽ lên mục tiêu cụ thể để học tiếng Anh, tiếng Nhật, học trước các môn đại cương ở trường đại học thông qua sự giúp đỡ của các anh chị khóa trước và dành thời gian rảnh để nghiên cứu khoa học" - Nguyễn Tấn Đạt tự tin chia sẻ.

Trong khi đó, thí sinh Lương Anh Huy, học sinh trường THPT Thăng Long, Hà Nội cho biết em với khối A, đặc biệt là môn toán là sở trường của em nên em làm bài khá tốt. Không chỉ vì cảm giác yên tâm khi thi đấu trên "sân nhà", Huy cho rằng em đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho kỳ thi này.

Đánh giá của Huy là đề thi này so với đề của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội với môn toán, kiến thức phủ rộng hơn ở cả 3 lớp 10-11-12 với độ khó đều nhưng cũng không quá khó so với dân khối A.

"Nguyện vọng 1 của em là trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khoa Toán, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn nguyện vọng 2 là trường ĐH Bách khoa Hà Nội, căn cứ vào thực tế điểm thi được công bố sắp tới" - Huy cho biết và em cũng đặt quyết tâm học tốt môn tiếng Anh trong những năm đại học do em tự nhận thấy, mình vẫn chưa tự tin với môn học này, trong khi xung quanh nhiều bạn khác đã vào đại học yêu thích bằng phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp học bạ...

Phần tự luận mã đề 102, đề Toán đánh giá tư duy.

Do kỳ thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 nên các thí sinh đều có tâm trạng vui vẻ, không quá áp lực khi tham gia kỳ thi bởi đã có những phương án dự trù khác cho hướng đi phía trước của mình.

Dự kiến, ngày 24/7, trường ĐH Bách khoa sẽ công bố điểm thi của các thí sinh cùng với thời điểm công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí sinh thi đánh giá tư duy than khó nhưng không áp lực, tại sao?