Sau khi báo chí liên tục phản ánh phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bộc lộ nhiều bất cập, trong đó chỉ ra cả 3 phương án đều do một đơn vị tư vấn chuyên ngành về giao thông (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải -TEDI) đưa ra là không hợp lý, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chấp thuận đề xuất tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Theo đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (đơn vị tổ chức thi tuyển) và Công ty cổ phần Him Lam (đơn vị tài trợ kinh phí thi tuyển) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo quy định của Luật Kiến trúc.
Đón nhận thông tin trên, nhiều kiến trúc sư (KTS) cho rằng, đây là một “thành công bước đầu” để tránh cho Hà Nội một “thảm họa kiến trúc”. Cần nhớ, dự toán cây cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu theo hình thức BOT với tổng kinh phí gần 9.000 tỷ đồng.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, những công trình quan trọng cần phải tổ chức thi tuyển phương án thiết kế nhằm huy động trí tuệ, sự sáng tạo của nhiều người. Nhưng khi đã tổ chức thi tuyển, thì một vấn đề cực kỳ quan trọng khác, theo ông Nghiêm, “cần thành lập hội đồng tuyển chọn, chấm thi minh bạch, nghiêm túc”.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, người trước đó đã có nhiều phản biện sắc sảo về phương án “Xứ Đông Dương” cũng cho rằng, việc Hà Nội quyết định cho tổ chức thi tuyển là rất cần thiết và phù hợp với Luật Kiến trúc. “Cuộc thi sẽ thu hút được rộng rãi các đơn vị tư vấn, chứ không tập trung vào một đơn vị như trước đây. Các KTS, các công ty sẽ có điều kiện thể hiện tài năng của mình để đóng góp cho Hà Nội những tác phẩm kiến trúc cầu tốt”, ông Tùng nhấn mạnh.
Nói thêm về hội đồng tuyển chọn, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, rút kinh nghiệm lần trước, Hà Nội cần có một hội đồng tuyển chọn, tập hợp những chuyên gia về cầu, các chuyên gia về kiến trúc, những người có tâm huyết với Hà Nội, hiểu văn hóa Hà Nội. Khi có phương án được chọn phải triển lãm công khai cho nhân dân xem, góp ý.
Một vấn đề hiện đang được giới kiến trúc và dư luận xã hội quan tâm, kỳ vọng là làm sao để tìm ra được một phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo phù hợp với Thủ đô Hà Nội. Bởi như phương án kiến trúc “Xứ Đông Dương” vừa rồi đã bộc lộ sự vá víu, lắp ghép, thậm chí cả sự thiếu hiểu biết. Chưa kể, trong bối cảnh Hà Nội đã có những cây cầu bắc qua sông Hồng, nhiều cầu để lại dấu ấn kiến trúc cho Hà Nội. Giới chuyên gia cũng đã chỉ ra: Cầu Long Biên là cây cầu mở đầu cho giai đoạn kết nối Hà Nội với các khu vực phía Bắc, thể hiện vai trò trung tâm và đến bây giờ nó trở thành di sản về kết cấu thép. Trên thế giới cũng chỉ còn 4 cây cầu kết cấu thép là di sản như cầu Long Biên. Hay cầu Chương Dương được ví là cây cầu nội lực vì hoàn toàn do Việt Nam thiết kế. Tiếp đến, cầu Thanh Trì là biểu hiện của sự hội nhập quốc tế bởi chúng ta kết hợp với các nước vừa lựa chọn, vừa thi công. Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu phát huy trí tuệ của Việt Nam. Đặc biệt nhất là cây cầu Nhật Tân - có quá trình chuẩn bị vào khoảng gần 10 năm, cây cầu mang biểu tượng con rồng hướng về Hà Nội, thể hiện kết cấu kỹ thuật hiện đại.
Do đó, mỗi cây cầu mới cần thiết phải hướng tới để trở thành một biểu tượng văn hóa, khoa học kỹ thuật của một thời kỳ nhất định.
Về phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, ngày nay, Hà Nội là thành phố của hòa bình, thành phố sáng tạo, cho nên, mỗi cây cầu phải là một câu chuyện kể về Hà Nội để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. “Điều này không có nghĩa là chúng ta quay lại thế kỷ thứ 19. Cây cầu phải theo quy luật thời đại nào thì kiến trúc đó, cho nên người ta mới nói là kiến trúc đô thị là hình ảnh phản chiếu thời đại”, ông Tùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói thêm: “Sáng tạo thì không thể có giới hạn được nhưng tôi lưu ý những thiết kế phải mang được biểu tượng văn hóa, kết nối được nội đô lịch sử của Hà Nội với những khu vực phát triển mới”.
Muốn làm được điều đó, vị chuyên gia này cho rằng, các đơn vị thiết kế cần có cái nhìn bao quát, bám sát vào quy hoạch phân khu để không bị phá vỡ quy hoạch phân khu, không “lạc lõng” trong quy hoạch tổng thể.
Được biết, cầu Trần Hưng Đạo nằm vào khoảng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Phía Nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A). Tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Theo Hội KTS Việt Nam, do vị trí, vai trò công trình cầu Trần Hưng Đạo trong tổ chức không gian cảnh quan và giao thông khu vực rất đặc biệt, nên Hội KTS mong muốn đây là công trình tạo điểm nhấn về kiến trúc. Cây cầu nên trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại, không nên lặp lại phong cách kiến trúc kiểu Pháp hay Đông Dương…