Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, việc xây dựng ngân hàng đề thi đang được tiến hành khẩn trương để đảm bảo đến tháng 5-2017 sẽ có một ngân hàng đề thi đủ lớn và chất lượng để mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng, dự kiến khác nhau đến 80%.
Ảnh minh họa.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết kế hoạch chi tiết cho công tác làm đề thô, đề cho học sinh thi thử đang được tiến hành nhằm tiến tới chuẩn hóa đề các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Bộ GD-ĐT ngoài việc thành lập ban soạn thảo đề thi trắc nghiệm cho các môn thi THPT quốc gia còn tiến hành thực hiện huy động các thầy cô giỏi trong cả nước tham gia xây dựng ngân hàng đề thi.
Cụ thể, đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, bộ sẽ cho mỗi thí sinh làm một đề thi riêng nên dù có ngồi cạnh thì cũng không thể nhìn bài nhau được. Sau khi thí sinh thi xong, việc chấm thi sẽ được thực hiện bằng máy với độ chính xác cao nên loại trừ những tiêu cực cũng như khắc phục được sự thiên vị trong quá trình chấm thi.
Trong quá trình coi thi, ngoài những cán bộ quản lý, giáo viên các Sở GD&ĐT, trường THPT, Bộ GD&ĐT cũng cử giảng viên các trường ĐH, CĐ xuống các địa phương để phối hợp thực hiện công tác coi thi.
Về băn khoăn của nhiều người cho rằng khi mỗi thí sinh một đề thi riêng liệu có đảm bảo công bằng, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã điều chỉnh thông tin từ mỗi thí sinh một đề thi riêng thành mỗi thí sinh một mã đề riêng. Chất lượng các câu hỏi của mỗi đề thi sẽ được nhóm giáo viên ra đề thi bàn bạc, phân tích để làm sao có độ khó tương đương nhau.
“Cần có những thử nghiệm trực tiếp với học sinh vì giữa nhận thức của giáo viên và học sinh có độ vênh nhau nhất định. Bước này sẽ giúp ban soạn thảo đưa ra được những đề thi chất lượng, đảm bảo không trùng nhau để hạn chế tối đa tình trạng quay cóp nhưng cũng sẽ tạo công bằng giữa các thí sinh”, một chuyên gia giáo dục đề xuất.
Chia sẻ thêm, chuyên gia này cho biết do năm nay chuyển đổi nhiều môn thi từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm nên số lượng câu hỏi thi đòi hỏi rất lớn.
Chẳng hạn, với môn Hóa học, đề thi minh họa có 40 câu. Nếu tính số thí sinh trong phòng thi là 40 người thì môn này phải có tới 12.800 câu hỏi khác nhau (chưa kể 320 câu hỏi trùng nhau do dự kiến đề thi khác nhau 80% cho mỗi thí sinh). Động thái huy động các thầy cô giáo giỏi của Bộ bằng nhiều hình thức khác nhau là rất cần thiết để cùng với ban soạn thảo thành lập được những bộ đề thi đáp ứng được yêu cầu chính xác, khách quan và công bằng để phụ huynh và thí sinh an tâm.
Ngoài ra, việc số lượng đề thi cho mỗi cụm thi, mỗi phòng thi cũng tăng lên khá nhiều, đòi hỏi khâu in, sao và vận chuyển đề thi cũng phải tính toán kỹ để tránh xảy ra những sai sót ảnh hưởng đến một kỳ thi có tính chất quyết định sau 12 năm học của mỗi học sinh.
Chủ động thi học kỳ 1 giống thi THPT Quốc gia Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, bài kiểm tra cuối học kỳ 1 của học sinh lớp 12 trên toàn thành phố sẽ được tổ chức thi như phương án thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, học sinh lớp 12 hệ THPT sẽ kiểm tra với bốn bài thi. Trong đó có ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, tiếng Anh, chọn một trong hai bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi ba bài, trong đó hai bài bắt buộc là toán, ngữ văn và chọn một trong hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Học sinh học các môn ngoại ngữ khác (không học tiếng Anh), Sở GD&ĐT sẽ giao cho các trường chủ động kiểm tra. |