Giáo dục

Thi thử vào lớp 10: Tập dượt để điều chỉnh phương án ôn tập

Hàn Minh 01/03/2024 06:44

Thời điểm này, nhiều trường THPT ở Hà Nội tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển đã thông báo lịch thi thử để học sinh được thử sức, rèn luyện kỹ năng làm bài.

anhbaitren.jpeg
Học sinh thi vào lớp 10 tại Trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội), năm học 2023 - 2024. Ảnh: Thu Hương.

Chủ động ôn tập, rà soát kiến thức

Theo thông báo của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), để học sinh (HS) được thử sức, rèn luyện kỹ năng làm bài với các đề thi hay, chất lượng đồng thời giúp các em hệ thống lại kiến thức đã học, nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi thử vào lớp 10 chuyên. Thời gian vào ngày 9-10/3/2024. Trong đó, môn Toán chung (Toán 1) và Ngữ văn thi vào sáng và chiều 9/3, mỗi môn 120 phút. Ngày 10/3, thí sinh làm bài môn chuyên trong 150 phút. Buổi sáng dành cho thí sinh thi Toán chuyên (Toán 2) hoặc chuyên Sinh học, chiều thi môn chuyên Vật lý, Hóa học. Nhà trường không nhận đăng ký trực tiếp, phụ huynh đăng ký trực tuyến và điền vào mẫu có sẵn với đầy đủ thông tin để nhà trường nhắn thông tin dự thi và kết quả thi qua số điện thoại đăng ký. Lệ phí 150.000 đồng/1 môn thi.

Trước đó, trường đã tổ chức xong đợt thi thử đầu tiên hồi cuối tháng 1. Dự kiến đợt thi thử thứ 3 tổ chức vào 6-7/4 nhưng trường chưa nhận đăng ký.

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo lịch đợt thi thử thứ 2 vào ngày 10/3 và đợt 3 vào 5/5. Các môn thi gồm Đánh giá năng lực ngoại ngữ (trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 90 phút), Toán và Khoa học tự nhiên (trắc nghiệm, 55 phút), Ngữ văn và Khoa học xã hội (trắc nghiệm và tự luận, 55 phút); diễn ra trong một buổi. Trong 2 đợt đầu, trường chỉ tổ chức thi thử môn chuyên Tiếng Anh, riêng đợt cuối có đầy đủ Tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung, Nhật, Hàn.

Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội vừa kết thúc đăng ký thi thử đợt 1. HS sẽ làm bài thi thử vào ngày 3/3, nhận kết quả sau 10 ngày. Hai đợt còn lại diễn ra vào ngày 14/4 và 12/5. Trường sẽ mở đăng ký đợt thi thử mới sau khi kết thúc đợt liền trước. Thí sinh thi môn Ngữ văn và Toán vào buổi sáng, thời gian làm bài 90 phút mỗi môn. Môn chuyên (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Tiếng Anh) diễn ra vào buổi chiều, thời gian làm bài mỗi môn 120 phút.

Hà Nội có 4 trường THPT chuyên thuộc ĐH. Hiện, chỉ còn có Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và nhân văn chưa thông báo kế hoạch thi thử lớp 10. Do các trường chuyên này tuyển sinh trong cả nước nên thí sinh có thể đăng ký và dự thi theo nguyện vọng, không phụ thuộc vào địa bàn cư trú như các kỳ thi vào lớp 10 chuyên của Hà Nội. Các kỳ thi thử là dịp cọ sát, làm quen và kiểm tra kiến thức, kỹ năng để từ đó thí sinh có định hướng ôn tập phù hợp với bài thi chính thức. Nhìn chung, theo các giáo viên, kỳ thi thử hàng năm được các trường tổ chức nhằm giúp cho HS làm quen với các dạng bài tương tự như kỳ thi chính thức. Cấu trúc đề thi phù hợp với nội dung chương trình THCS HS đã được học tuy nhiên mỗi trường tùy vào mục tiêu, đối tượng dự thi vào lớp chuyên nào để thiết kế các bài thi phù hợp nhằm đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

Tuyển sinh đúng quy định

Thời điểm này, nhiều địa phương đã thông báo phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Tuy nhiên, một số địa phương có chính sách tuyển thẳng, cộng điểm đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không đúng quy định và Bộ GDĐT đã phải “tuýt còi”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) khẳng định, quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT của Bộ GDĐT không có quy định tuyển thẳng lớp 10 đối với các HS có chứng chỉ quốc tế và Bộ cũng chưa bao giờ cho phép việc này. Do đó, các địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, trong đó có bổ sung những nội dung ngoài quy định của Bộ cần điều chỉnh ngay việc này để thực hiện việc tuyển sinh đúng theo Quy chế tuyển sinh do Bộ GDĐT ban hành.

“Thực tế, cùng một địa phương, những địa bàn HS được tiếp cận học ngoại ngữ, gia đình có điều kiện học tập, đặc biệt là học tập để lấy chứng chỉ quốc tế với chi phí cao sẽ thuận lợi hơn so với những địa bàn có điều kiện khó khăn hơn. Như vậy, về năng lực, về tiềm năng, trí tuệ của HS đó tốt nhưng điều kiện thuận lợi ít hơn thì không có chứng chỉ. Do đó, Bộ nhận thấy rằng, nếu quy định cộng điểm khuyến khích giao cho các Sở GDĐT quyết định thì có thể sẽ tạo ra sự không công bằng trong giáo dục. Vì vậy, năm 2018, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 05 sửa đổi bổ sung Thông tư 11, trong đó đã Khoản 3, Điều 7 quy định về đối tượng được cộng điểm khuyến khích” - ông Thành lý giải về lý do Bộ GDĐT ban hành văn bản yêu cầu các địa phương phải điều chỉnh và thông báo công khai về kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên nhằm tạo sự công bằng trong giáo dục cho các em HS.

Đây là khóa tuyển sinh cuối cùng theo học Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2006. Khi vào lớp 10, các em học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được lựa chọn môn học theo năng lực, sở trường nên việc thi 3 môn theo nhiều giáo viên và HS là phù hợp, giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh và HS.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi thử vào lớp 10: Tập dượt để điều chỉnh phương án ôn tập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO