Sáng nay, hơn 1 triệu thí sinh bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 với môn thi đầu tiên là Ngữ văn. Một kỳ thi đặc biệt diễn ra trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch bệnh Covid-19 nên an toàn là từ khóa được đặt lên hàng đầu, cùng với mục tiêu chất lượng và nghiêm túc.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Đợt 1 của kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/7 trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên để tổ chức thành công kỳ thi, không chỉ đơn vị chủ lực là ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành liên quan.
TP Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký đông chiếm khoảng 1/10, với hơn 101.000 thí sinh. TP đã bố trí 4.235 phòng thi tại 188 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Trước đó, công tác diễn tập được thực hiện chu đáo cả trên diện rộng và tại từng điểm thi với tất cả các nội dung dự phòng có thể xảy ra.
Chiều 6/7, tại điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội, mặc dù 14h mới chính thức làm thủ tục nhưng lực lượng thanh niên tình nguyện, công an đã có mặt từ sớm tại điểm thi để phân luồng hỗ trợ thí sinh vào điểm thi. Thí sinh được phân làn ngay từ cổng trường, đo nhiệt độ, sát khuẩn trước khi vào khu vực làm thủ tục tại điểm thi. Thí sinh được sắp xếp ngồi giãn cách để phòng Covid-19. Cả thầy và trò đều nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang trong suốt thời gian có mặt tại điểm thi. Riêng phụ huynh đưa con đến trường thi được bố trí dừng cách cổng trường khoảng 50 m để bảo đảm an toàn phòng dịch. Thời tiết nắng nóng nên phụ huynh đứng chờ con tại điểm thi trong buổi chiều 6/7 được hỗ trợ ô bạt che nắng và nước uống miễn phí cũng như trong suốt 2 ngày diễn ra kỳ thi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, mỗi điểm thi trên địa bàn đều bố trí lắp camera tại vị trí đón thí sinh, lên phương án khai báo y tế theo quy định, phân luồng ra vào bảo đảm phòng dịch; bố trí 1 địa điểm thuận lợi cách điểm thi khoảng 50m để phụ huynh học sinh dừng đỗ khi đưa đón con đến điểm thi theo quy định.
Trước đó, tối muộn 5/7, UBND TP Hà Nội đã có công văn hỏa tốc yêu cầu đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ địa điểm tổ chức tuyển sinh, chuẩn bị vật tư, cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu theo đúng quy định. Đặc biệt, phải chuẩn bị tối thiểu 1 phòng thi dự phòng, 1 phòng cách ly để sử dụng trong tình huống phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc những bất thường khác.
Tại Bắc Giang, cơn mưa kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ vào đầu giờ chiều 6/7 khiến thí sinh, phụ huynh vất vả trong việc di chuyển và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đây cũng là một kinh nghiệm với cả thí sinh và người nhà, cán bộ coi thi để chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh trong các buổi thi tiếp theo đó…
Giải quyết mọi tình huống vì quyền lợi thí sinh
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương cần làm tốt công tác rà soát đối tượng F0, F1, F2 và những thí sinh nằm trong vùng giãn cách xã hội. Nếu các hội đồng thi tổ chức cho những thí sinh thuộc diện F1, F2 thi đợt 1 thì phải dựa trên cơ sở các em làm đơn xin tham dự thi đợt 1 cũng như phải bảo đảm an toàn về phòng chống dịch. Với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, cần có phương án hỗ trợ để không phải bỏ thi. Bất kỳ có tình huống phát sinh nào đều giải quyết vì quyền lợi của thí sinh.
“Với các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi, chúng ta hãy nhận phần khó về mình để học sinh có được điều kiện tham gia kỳ thi tốt nhất. Trong mọi trường hợp, nếu có thể xử lý tình huống theo cách nhân văn nhất, tôi mong các thầy cô sẽ làm để bảo đảm không có sự thiệt thòi nào cho học sinh. Mong mỏi lớn nhất là chúng ta sẽ có một kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, nhân văn”- ông Độ chia sẻ.
Thời gian qua, Bộ GDĐT đã có công văn gửi đến các bộ, ngành, cơ quan đề nghị phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2021, hướng tới việc tổ chức an toàn, trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Ban Chỉ đạo thi các tỉnh cũng được quyền linh động trong việc tổ chức thi cho các thí sinh căn cứ trên tình hình thực tế tại địa phương mình.
Thí sinh thi đợt 2 hãy yên tâm
Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), tính đến 16h30 ngày 5/7, tổng số thí sinh dự kiến thi tốt nghiệp THPT vào đợt 2 do ảnh hưởng bởi Covid-19 là 11.551 thí sinh. Đây là thí sinh của 39 tỉnh thành phố đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Bình Định là tỉnh có nhiều thí sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vào đợt 2 - với 2.569 thí sinh, Bắc Giang có 2.477 thí sinh. Trong đó, tổng số F0 toàn quốc là 45 thí sinh (nhiều nhất là TPHCM với 27 thí sinh). Cả nước đang có 362 thí sinh là F1 (nhiều nhất là Bình Dương với 231 thí sinh). Tổng số F2 toàn quốc là 337 thí sinh (nhiều nhất là TPHCM với 69 thí sinh).
Với thí sinh thi đợt 2, ngành giáo dục khẳng định thí sinh hãy yên tâm, không lo lắng. Kỳ thi đợt 2 sẽ được tổ chức trong điều kiện thuận lợi, bảo đảm mọi điều kiện và bảo đảm công bằng cho các em.
Sáng 7/7, thí sinh thi môn đầu tiên là môn Ngữ Văn, thời gian làm bài 120 phút. 7h30 các giám thị phát đề, thí sinh làm bài sau đó 5 phút. Chiều 7/7, các thí sinh làm bài thi môn Toán trong 90 phút. Giám thị phát đề lúc 14h20, thí sinh làm bài từ 14h30. Sáng 8/7, thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 làm các bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Thời gian làm mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là 50 phút. Chiều 8/7, thí sinh làm bài thi môn Ngoại ngữ trong 60 phút. Sáng 9/7 là buổi thi dự phòng.