Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 27 và 28/6. Thí sinh cả nước chính thức đăng ký dự thi từ ngày 2/5. Hiện ngành giáo dục và các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị các công tác liên quan đến kỳ thi cuối cùng của Chương trình GDPT 2006.
Tại Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức cuối tuần qua tại TP Huế, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Huỳnh Văn Chương nêu rõ 3 mục tiêu tổ chức kỳ thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2006; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, trên tinh thần giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội.
Trong kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng của Chương trình GDPT 2006, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhấn mạnh, bất cứ sai sót nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi, vì vậy, tất cả các đơn vị tham gia tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Ông Thưởng lưu ý 5 nhóm vấn đề trong tổ chức kỳ thi năm nay. Trước hết là làm tốt công tác chỉ đạo, từ cấp Trung ương (Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024), cho đến các tỉnh, thành phố, các Sở GDĐT cần chỉ đạo sâu sát, toàn diện. Cụ thể là kịp thời thành lập bộ máy để lãnh đạo, chỉ đạo kỳ thi. Sau khi thành lập bộ máy, cần phải có hệ thống văn bản chỉ đạo, với tinh thần chung nhất là tuyệt đối không chủ quan.
Đồng thời, các địa phương, Sở GDĐT tiến hành công tác kiểm tra toàn diện và trọng điểm. Cần tiến hành kiểm tra sớm, tổng kết, nêu lên những vấn đề còn vướng mắc, chủ quan, để các đơn vị còn lại rút kinh nghiệm và thực hiện tốt.
Về cơ sở vật chất, cần quan tâm chú ý nơi in sao, bảo quản đề thi, xác định điểm thi, phòng thi, máy chấm thi, công tác phòng chống cháy nổ... càng cẩn thận càng tốt. Công tác phối hợp cần nhịp nhàng và thông suốt giữa các đơn vị, ban ngành.
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh và quan tâm đến vấn đề nhân lực. Những năm trước đã xảy ra trường hợp lộ đề, lọt đề thi ra ngoài hoặc thí sinh đưa các thiết bị vào phòng thi, vì vậy trong công tác nhân lực, cần phải chọn người thật kỹ lưỡng, tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức, không được lơ là, chủ quan. Quá trình vận hành thử nghiệm trong khâu chuẩn bị cần phải chu đáo và kỹ lưỡng. Đồng thời, công tác truyền thông cần được quan tâm để không chỉ giới thiệu những điểm mới của quy chế mà còn khuyến cáo những mức độ vi phạm nào sẽ đến mức xử lý hình sự để không muốn, không dám và không thể vi phạm.
Một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự hội nghị cũng như toàn xã hội quan tâm đó là khâu tổ chức ra đề thi năm nay sẽ được thực hiện ra sao. Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa Bùi Thị Thanh, đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước có sự phân hóa tốt, dễ dàng để các thí sinh đạt điểm 6, 7 xét tốt nghiệp... Vì vậy, bà Thanh mong muốn Bộ GDĐT tiếp tục duy trì thêm sự phân hóa ở một số môn học và mong muốn tăng cường tiếp tục trong công tác thanh tra, kiểm tra chéo để kỳ thi được diễn ra tốt hơn, và đề nghị việc ra đề thi nên bám sát, có sự phân hóa hơn để học sinh hiểu và làm bài, tránh tình trạng khoanh bừa đáp án và mong các trường ĐH, cao đẳng quan tâm, lấy kết quả của kỳ thi để xét tuyển, nên để học sinh tốt nghiệp xong rồi công bố trúng tuyển nhằm tránh khó khăn trong việc dạy và học của giáo viên, học sinh.
Đây cũng là quan điểm của nhiều trường ĐH và thí sinh bởi khi sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, thí sinh không phải tham gia quá nhiều kì thi. Về phía trường ĐH, nếu tận dụng kết quả kì thi của Bộ GDĐT sẽ có thể tập trung hoàn toàn nguồn lực vào vấn đề đào tạo, thay vì phân tán nguồn lực (cơ sở dữ liệu, phần mềm, người ra đề thi...) để tổ chức thi riêng.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, tỷ lệ thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH trong 4 năm qua dao động 40 - 50%. Năm 2022, có hơn 300.000 trong số hơn 620.000 thí sinh xét tuyển ĐH dùng điểm thi tốt nghiệp, chiếm 48,59%; năm 2023 tỷ lệ này là 41,44%. Đặc biệt, khối ngành sức khỏe và nhiều ngành khác với chuẩn đầu vào cao đều dùng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Mùa tuyển sinh 2023, có hơn 200 trường ĐH sử dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển. 2 phương thức có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao nhất vẫn là xét điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ. GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhìn nhận, trong xu hướng các trường ĐH tự chủ tuyển sinh, việc các trường chủ động phương thức tuyển sinh riêng và giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu đề thi tốt nghiệp THPT đảm bảo độ phân hóa, khâu tổ chức kỳ thi, coi thi, chấm thi, thanh kiểm tra, giám sát… đảm bảo độ tin cậy thì chắc chắn các trường vẫn sẽ sử dụng để tuyển sinh vào ĐH. Bởi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển kết hợp có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp là được đo bằng một thang đo chung nên độ tin cậy sẽ cao và công bằng, khách quan, tạo cơ hội cho thí sinh.