Thời điểm này, giáo viên và học sinh lớp 12 đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, các trường THPT đang tập trung củng cố kiến thức, hoàn thành chương trình học tập cho học sinh.
Chủ động từ sớm
Trần Khôi Nguyên - học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết, em lựa chọn cả 2 phương thức xét tuyển vào đại học là xét học bạ và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, việc xét tuyển bằng học bạ khá thuận lợi vì em có 5 học kỳ là học sinh giỏi, song không phải trường nào cũng sử dụng phương án xét tuyển này nên cũng không thể lơ là việc ôn thi tốt nghiệp THPT.
“Em không quá lo lắng về kiến thức cơ bản vì ngay từ đầu năm, thầy cô đã nhắc nhở và chú trọng dạy đến đâu chúng em nắm chắc kiến thức đến đấy. Quan trọng là kỹ năng đọc, giải đề cũng như một số phần nâng cao để đạt điểm giỏi, thêm cơ hội đỗ vào trường top đại học top trên” - Nguyên nói và cho biết em dành nhiều thời gian cho tự học, chỉ tham gia học thêm 2 môn Toán và Hóa học ngoài nhà trường do chưa thực sự tự tin với 2 môn học này.
Trong khi đó, Lê Nguyễn Mai Phương - học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, em và các bạn trong lớp thường chia nhóm để giải đề thi. “Chương trình học lớp 12 thầy cô hết sức tạo điều kiện song do lớp học đông nên em vẫn khá lo lắng. Từ đầu năm, em đã tìm nhóm để học thêm với mong muốn cải thiện điểm số và đến thời điểm này, các bài kiểm tra của 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học em đều đạt điểm trên 8. Hy vọng, trong 3 tháng tới em tiếp tục có những cải thiện về mặt kiến thức, kỹ năng để nâng cao số điểm đạt được” - Phương nói.
Về phía nhà trường, ông Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết, năm nay nhà trường có hơn 600 học sinh lớp 12. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch học tập cụ thể ở từng chặng và phân công các giáo viên vững chuyên môn giảng dạy để giúp học sinh nắm bắt kiến thức tốt nhất. Ở bài kiểm tra cuối học kỳ I vừa rồi, nhà trường đã tổ chức thi theo đề chung, bài kiểm tra được chấm chéo để đảm bảo khách quan, từ đó giúp các em nhận diện rõ năng lực học tập của mình đang ở đâu, có hướng phấn đấu.
Nhiều địa phương trong đó có Hà Nội đang chuẩn bị để tổ chức kiểm tra, khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố. Dự kiến vào tháng 4/2023, hơn 102.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội sẽ làm bài theo đề chung với các bài kiểm tra tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả kiểm tra không chỉ có ý nghĩa với từng nhà trường, mà còn là cơ sở để lãnh đạo ngành nắm được bức tranh tổng thể về chất lượng dạy, học, từ đó có các giải pháp hỗ trợ học sinh hiệu quả nhất trong thời gian còn lại, trước khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra.
Chú trọng kỹ năng, củng cố kiến thức
Kỳ thi năm nay diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 27 đến 30/6), gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Theo ông Nguyễn Thành Long - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì (Hà Nội), bên cạnh việc bám sát đề thi tham khảo, nhà trường cũng chú trọng việc dạy học phân hóa với từng đối tượng học sinh. Do mức độ nhận biết của từng học sinh không đồng đều nên dựa theo năng lực và nhu cầu thực tế của từng em, giáo viên sẽ xây dựng các chuyên đề ôn tập riêng phù hợp. Một thuận lợi là trường có tới hơn 70% học sinh ở nội trú nên thầy, trò có nhiều thời gian để ôn tập.
Với yêu cầu ứng dụng thực tiễn của đề thi, kinh nghiệm của nhiều giáo viên đó là không chỉ giảng dạy cho học trò kiến thức, mà còn chú trọng dạy học trò kỹ năng, ứng dụng thực tiễn để có thể vận dụng làm tốt các câu hỏi trong bài, từ đó đạt điểm số tối đa, tăng cơ hội đỗ đại học mong muốn.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022, tuy nhiên sẽ tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh có định hướng ôn tập.