Những học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông cũ đang lo lắng nếu không trúng tuyển đại học (ĐH) thì từ năm 2025, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi, thí sinh muốn xét tuyển ĐH bằng kết quả học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp THPT có phải học lại THPT?
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh những ý kiến quan tâm, góp ý cho dự thảo, một số học sinh và phụ huynh, nhà giáo quan tâm tới vấn đề: Với lứa học sinh sinh năm 2006 đang học chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cũ, nếu các em thi trượt tốt nghiệp THPT hoặc muốn thi lại, xét tuyển vào ĐH ở năm 2025 thì việc thi lại sẽ ra sao? Có cần học lại các môn theo Chương trình GDPT 2018 hay không?
Trên thực tế, hiện những học sinh sinh năm 2007 trở đi đã học và thi theo chương trình mới với nhiều thay đổi lớn về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục. Trong khi đó, lứa học sinh sinh năm 2006 học theo chương trình cũ nên có những môn không học trong chương trình chính khóa, cũng không phân ra những môn học bắt buộc và tự chọn mà học tất cả các môn chương trình yêu cầu. Như vậy, nếu trượt tốt nghiệp THPT thì các em này sẽ phải đối mặt với kỳ thi năm sau rất khác biệt nên nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng kỳ thi sẽ khó hơn, kiến thức cũng khác so với chương trình cũ.
Mai Lan - học sinh lớp 11, Trường THPT Mỹ Đức C (Hà Nội) cho biết, em và các bạn khá lo lắng vì nếu sơ sẩy trượt tốt nghiệp trong kỳ thi cuối cùng theo chương trình cũ thì cơ hội để đỗ tốt nghiệp vào kỳ thi năm sau sẽ càng mong manh hơn. “Hiện em vẫn đang nỗ lực học tập để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng vào năm sau. Nhưng tương lai không ai nói trước được. Đã có những trường hợp ốm đau, tai nạn hoặc có lý do riêng như các mùa thi trước đã từng xảy ra khiến cho thí sinh trượt tốt nghiệp, phải thi lại năm sau. Em hy vọng Bộ GDĐT sẽ sớm công bố phương án tổ chức thi để chúng em yên tâm hơn” - Lan nói.
Trên nhiều diễn đàn giáo dục, đây cũng là vấn đề nóng nhận được nhiều sự quan tâm với các ý kiến khác nhau. Trong đó đều bày tỏ lo lắng nếu phải học lại thì sẽ rất khó khăn cho thí sinh vì kiến thức có sự khác biệt, tự ôn tập không dễ dàng còn theo học tại các trung tâm cũng không chắc sẽ tin tưởng được.
Bên cạnh sự thay đổi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH từ năm 2025 dự kiến cũng sẽ thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục mới. Trong đó, phương án sử dụng học bạ THPT để xét tuyển liệu có còn được áp dụng với lứa học sinh sinh trước năm 2006? Hoặc phương án xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT đồng nghĩa với việc thí sinh phải thi lại kỳ thi này thì sẽ gây khó khăn như đã phân tích ở trên. Ngay cả việc xét tuyển bằng đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường ĐH cũng sẽ phải thay đổi để phù hợp với chương trình mới.
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT), hiện nay theo dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, với những thay đổi cơ bản về số môn thi. Về mặt kiến thức giữa chương trình mới và cũ có sự chênh lệch nhưng thí sinh sinh năm 2006 trở về trước hoàn toàn có thể tự học, tự bổ sung nếu muốn tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi.
“Các em không nên quá lo lắng vì dù chọn phương án nào thì chắc chắn Bộ GDĐT cũng sẽ cân nhắc phương án tối ưu, làm sao có lợi cho học sinh. Với việc xét tuyển ĐH, đây là quyền tự chủ tuyển sinh của các trường nhưng cũng sẽ không trường nào tự trói buộc nguồn tuyển của mình, nên chắc chắn sẽ có các phương án mở khác nhau để phù hợp với các đối tượng khác nhau” – ông Khuyến nhận định.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc xét tuyển đầu vào ĐH sẽ do các trường tự lo, còn kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng nghĩa đánh giá tốt nghiệp, các em cuối cấp không quá nặng nề, áp lực về kỳ thi này. Việc cần làm trước mắt là tập trung học tập thật tốt để vượt qua, đạt kết quả tốt ngay từ lần thi đầu tiên.