Thị trường bánh Trung thu: Người mua thắt chặt chi tiêu

Thanh Xuân 22/09/2023 07:35

Chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa là tới Trung thu, song sức mua năm nay sụt giảm so với những năm trước. Mặc dù nhiều cửa hàng, đại lý bán bánh Trung thu mọc lên ở nhiều tuyến phố tại Hà Nội nhưng lượng khách rất thưa thớt.

Nhiều cửa hàng bánh Trung thu mọc lên nhưng khách mua rất thưa thớt. Ảnh: Xuân Ngọc.

Thưa thớt khách mua

Thông thường, bắt đầu từ Rằm tháng 7 âm lịch cho đến Rằm tháng 8, thị trường bánh Trung thu đã rất sôi động, thế nhưng thời điểm này, chỉ còn cách Trung thu khoảng hơn 1 tuần, thị trường vẫn rất trầm lắng. Đi dọc các con phố Phan Đình Phùng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Phong Sắc, Đào Tấn... rất nhiều cửa hàng bán bánh Trung thu với các thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Thu Hương, Hữu Nghị... mẫu mã bắt mắt thế nhưng, lượng khách vào hỏi mua rất khiêm tốn.

Chị Nguyễn Thu Hà - chủ cửa hàng bánh Trung thu ở Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết: "Mọi năm, thời điểm cách đêm Rằm tháng 8 khoảng 1-2 tuần là khách đến rất đông, hàng về bao nhiêu hết bấy nhiêu, doanh thu mỗi ngày 15-20 triệu đồng là bình thường. Thế nhưng năm nay khác hẳn. Mặc dù chất lượng, mẫu mã bánh năm nay còn cải tiến hơn năm trước nhưng hàng bán ra rất chậm. Mấy ngày nay, cửa hàng chỉ thu về được khoảng 7-8 triệu đồng/ ngày, giảm hẳn 50% so với trước. Mặc dù tôi đã nhập lượng hàng ít hơn năm ngoái nhưng vẫn ế ẩm, tình hình này khéo phải giảm giá sớm để bù lỗ” – chị Hà chia sẻ.

Tương tự, anh Trần Ngọc Hùng, chủ một cửa hàng trên phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho hay, năm nay sức mua giảm rõ rệt. “Đến thời điểm này cửa hàng tôi chỉ bán được khoảng 50 - 60% so với doanh thu của năm ngoái. Nếu như năm ngoái khách hỏi nhiều, tầm này có khi còn phải đợi để nhập thêm hàng, thì nay hàng nhập về mong bán được 2/3 là may mắn rồi” – anh Hùng nói. Theo anh Hùng, hơn 1 tháng nay, từ ngày mở cửa hàng, lượng hàng bán ra rất thấp. Mấy ngày gần đây, lượng khách mua có tăng hơn song vẫn không khả quan.

Giới kinh doanh sản phẩm bánh Trung thu lý giải, do tình hình kinh tế khó khăn, nên năm nay nhiều doanh nghiệp cũng cắt giảm các xuất quà tặng đối tác, vì vậy, các hộp quà biếu năm nay không còn bán được nhiều như mọi năm. Bên cạnh đó, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại bánh handmade (bánh tự làm) nên cũng kéo giảm lượng cầu đối với các mặt hàng bánh Trung thu truyền thống.

Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng, Trung thu giờ khác với trước nhiều. Nếu như trước đây, chỉ đến ngày Rằm tháng 8 mới có bánh nướng, bánh dẻo, nên người mua phải đúng dịp Trung thu mới có thể mua bánh, thì nay, bánh được sản xuất quanh năm, nên lượng cầu giảm rõ rệt. Chưa kể mua bánh trong dịp này giá lại cao hơn so với ngày thường nên phần lớn các gia đình chỉ mua rất ít để thắp hương đúng ngày rằm. Còn hầu hết người tiêu dùng không mặn mà với sản phẩm bánh Trung thu như trước đây. Bên cạnh đó, bánh Trung thu giờ cũng rất đa dạng, phong phú, có loại được sản xuất theo kiểu công nghiệp, loại được các gia đình tự làm... nên khách hàng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. “Nếu không phải đi biếu thì tôi cũng không mua những hộp bánh Trung thu to đẹp làm gì” – chị Hoàng Thu Thủy (phố Hàng Chiếu, Hà Nội) cho hay.

Bánh Trung thu tự làm hút khách

Hiện bánh Trung thu được bày bán trên thị trường có nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, năm nay giá bánh cũng không cao hơn năm ngoái, tùy từng thương hiệu, giá bánh có chênh lên đôi chút. Ví dụ như bánh Trung thu Kinh Đô Trăng Vàng có giá từ 570.000 - 1.300.000 đồng/hộp, bánh Trăng Vàng Black&Gold Kinh Đô có giá từ 640.000 - 5.000.000 đồng/hộp.

Một trong những nguyên nhân khiến doanh thu tại các cửa hàng bán bánh Trung thu hàng công ty sụt giảm là do trên thị trường xuất hiện rất nhiều các tiệm bánh handmade. Cùng với đó, các loại bánh được rao bán nhiều trên kênh thương mại điện tử nên các cửa hàng, đại lý truyền thống cũng giảm sức cạnh tranh hơn.

Chị Hoàng Thúy Hằng, chủ một shop bán bánh Trung thu online cho biết: “Từ tháng 8 tới giờ, bánh Trung thu “handmade” của tôi đã bán khoảng hơn 3.000 chiếc bánh nướng, bánh dẻo các loại. So với năm ngoái, sản phẩm bánh tôi làm bán được tương đương. Nhiều người đặt hàng từ Rằm tháng 7. Phần lớn người mua là khách quen, tin tưởng về chất lượng nên mới đặt mua” – chị Hằng chia sẻ và cho biết, bánh tự làm thường có giá mềm hơn và làm bánh theo sở thích, yêu cầu của khách hàng nên lượng ban ra rất chạy. Đơn cử, bánh vị chocolate, vị khoai môn, vị cốm... rất được nhiều người đặt mua.

Các loại bánh Trung thu tự làm thủ công này hiện cũng được chú trọng đến quy cách đóng hộp khá đẹp mắt, sang trọng và được đóng gói cẩn thận để có thể làm quà biếu tặng cho người thân và bạn bè. Giá các loại bánh Trung thu handmade này không cao hơn so với giá các loại bánh Trung thu hiện nay trên thị trường, trung bình 30.000 - 60.000 đồng/cái.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia ngành an toàn thực phẩm, khách hàng cũng cần cẩn thận mới các loại bánh handmade trên thị trường như hiện nay. Bởi thực tế, người bán bánh tự làm thường không có các loại loại giấy chứng minh nguồn gốc hoặc các giấy tờ liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ được đảm bảo bằng lời nói. Điều này ẩn chứa rủi ro lớn về an toàn thực phẩm.

Ngày 21/9, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và chức vụ Công an quận 12 (TPHCM) cho biết đã phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục QLTT TPHCM) phát hiện điểm kinh doanh tại phường Thạnh Xuân chứa bánh Trung thu không rõ nguồn gốc do bà D.T.M làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ trên 3.500 bánh Trung thu hàng nội địa Trung Quốc sản xuất. Phía chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các hóa đơn, chứng từ liên quan đến số bánh nói trên. Hiện toàn bộ số hàng hoá này đã bị thu giữ để xử lý theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường bánh Trung thu: Người mua thắt chặt chi tiêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO