Thị trường lao động 2021: Những tín hiệu khả quan

Khanh Lê 28/01/2021 08:00

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng những tháng gần đây thị trường lao động đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, số lao động có việc làm tăng, số lao động thất nghiệp giảm. Đáng chú ý, tăng thêm nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động. 

Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid, nhưng thị trường lao động trong tháng 1/2021 vẫn có những dấu hiệu tích cực.

Nhiều ngành nghề gia tăng nhu cầu tuyển dụng

Ngày 26/1, Tập đoàn tuyển dụng nguồn nhân lực lớn tại Việt Nam Navigos công bố bản báo cáo về nhu cầu nhân lực trong tháng 1 đầu năm 2021, cho biết mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn khiến ngành công nghệ thông tin trì hoãn trong tuyển dụng, tuy nhiên vẫn có công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin trong năm 2021.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Navigos Group dự báo, năm 2021 các ngân hàng đang có kế hoạch tuyển dụng số lượng lớn các vị trí quan hệ khách hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng các ứng viên trong mảng công nghệ, dữ liệu sẽ được đẩy mạnh do nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các ngân hàng thương mại.

Cũng theo Navigos Group, hiện các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Cần Thơ đang nhận được sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất nước ngoài. Cụ thể, các DN sản xuất Nhật Bản trong mảng linh kiện điện tử và ô tô đang có kế hoạch mở rộng trong năm 2021.

Bên cạnh đó, đã có nhiều DN sản xuất châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là tại thị trường phía Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, dự kiến quý I/2021, nhu cầu tuyển dụng của một số ngành sẽ có xu hướng tăng lên từ 10-12%, cụ thể: Ngành dệt may, da giày và may mặc (6.000 - 8.000 vị trí); ngành Du lịch, khách sạn và nhà hàng (4.000 - 5.000 vị trí); kinh doanh - marketing (8.000 - 10.000 vị trí); lao động phổ thông (5000 - 7000 vị trí), tập trung ở một số vị trí nhân viên kế toán - thu ngân, nhân viên bán hàng, nhân viên dịch vụ khách hàng...

Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ phục hồi

Nhận định về thị trường lao động trong năm 2021, TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, những tín hiệu tích cực về vaccine phòng dịch là tia sáng tích cực cho thị trường lao động.

Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua vẫn trên đà tăng trưởng, nếu như được tiếp sức môi trường kinh tế tốt hơn thì có những ngành vẫn tăng được lao động như xây dựng, công nghiệp chế biến có thể tạo ra được cú hích lớn, hy vọng Quý I-2021, thị trường lao động sáng sủa hơn.

Cũng theo bà Hương, thị trường lao động Việt Nam có cơ sở phục hồi tốt là bởi các ngành nghề của Việt Nam chia thành 3 nhóm nghề chính. Nhóm thứ nhất phục vụ nhu cầu nội địa; nhóm thứ 2 phục vụ liên doanh, liên kết và nhóm 3 phục vụ thị trường quốc tế. Từ 3 hệ thống nhóm ngành, có thể dự báo rằng, nhóm ngành phục vụ nhu cầu nội địa là nhóm ngành có khả năng phục hồi ở mức nhanh.

Mặc dù đưa ra những dự báo khả quan về sự phục hồi của thị trường lao động, song theo ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), để ổn định và phát triển thị trường lao động cần tăng cường công tác dự báo kinh tế- xã hội và thị trường lao động. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần cải cách thủ tục hành chính làm sao các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu cần nhanh gọn.

“Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm chú trọng, đặc biệt hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm trong tổ chức thông tin thị trường lao động, sàn giao dịch, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Song song với đó là rà soát chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Một số ngành gặp khó khăn như du lịch, hàng không… cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời để đơn vị này vượt qua khó khăn”, ông Trung nhấn mạnh.

Còn theo bà Ngô Quỳnh An (ĐH Kinh tế Quốc dân), yêu cầu quan trọng nhất trong giai đoạn này vẫn là bảo đảm sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, cần hỗ trợ về thông tin việc làm và các loại hình lao động có sẵn trên thị trường, giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm hơn.

Về mặt cơ chế, cơ quan quản lý nên có lộ trình phát triển để cập nhật thường xuyên dữ liệu về lao động, việc làm. Giải pháp an sinh xã hội mang tính chất chủ động như Chính phủ cho DN vay vốn mở rộng cơ hội việc làm, giữ chân người lao động cũng nên được đẩy mạnh.

Khi thị trường hồi phục, cần có những giải pháp đồng bộ trong công tác định hướng kỹ năng chuyển đổi ngành nghề cho người lao động, đào tạo những kỹ năng mới, bảo đảm họ có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường lao động 2021: Những tín hiệu khả quan