Thị trường lao động 6 tháng cuối năm: Vẫn còn nhiều áp lực

Lan Hương 23/06/2023 09:12

Khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

Dự báo tình trạng cắt giảm lao động sẽ vẫn diễn ra trong 6 tháng cuối năm 2023.

Vẫn khó phục hồi

Báo cáo tình hình lao động,việc làm từ 40 tỉnh, thành phố cho biết, đến hết ngày 20/5/2023, có khoảng 509 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Con số này chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp (DN). Còn theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 393.377 người, tăng 8% so cùng kỳ năm 2022 (363.444 người). Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 337.432 người, giảm 0,91% so cùng kỳ năm 2022 (340.538 người); Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động cả nước hiện nay là 3,5 triệu đồng/người mỗi tháng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội(LĐTBXH) dự báo, thị trường lao động 6 tháng cuối năm 2023 cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức. Lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… ở nhiều quốc gia làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn suy giảm, dẫn tới các DN trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Thị trường lao động sẽ còn tiếp tục khó khăn cũng là nhận định của Navigos Group – đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự trong một báo cáo phân tích về tình hình tuyển dụng tại Việt Nam công bối hồi cuối tháng 5.

Theo Navigos Group, 6 tháng đầu năm 2023 chưa có tín hiệu tích cực về thị trường quốc tế. Nhiều DN trong nước vẫn “án binh bất động” trong trạng thái chờ và nghe ngóng thị trường khi lo ngại về kinh tế thế giới kém khả quan trong năm nay.

Hỗ trợ lao động phi chính thức

Ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, tình hình thị trường lao động trong nửa cuối năm 2023 còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội. “Theo dự báo của chúng tôi, một số ngành, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến giảm lao động như liên quan đến may trang phục, đồ gỗ, những ngành có giá trị xuất khẩu lớn…” - ông Toàn nhận định.

Từ những thách thức này, để thị trường lao động “về đích” như mục tiêu đề ra, Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức của kinh tế trong và ngoài nước; tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường. Đồng thời, nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức…

“Dự báo thị trường lao động trong thời gian tới phải dựa vào dự báo phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy, đời sống, lao động, việc làm sẽ tiếp tục khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể gia tăng. Điều đáng lo ngại hơn là sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã bào mòn phần tích lũy của người lao động, do đó họ sẽ càng ngày càng chật vật hơn, đây là vấn đề cần phải quan tâm. Nhất là khi chúng ta có quy mô 51,2 triệu lao động ở thời điểm này nhưng tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000 người, giãn việc, mất việc là trên 506.000 người. Vì vậy, chúng ta sẽ phải có nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, ổn định đời sống, đặc biệt không chủ quan nhưng cũng không bi quan” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.

“Dự báo thị trường lao động trong thời gian tới phải dựa vào dự báo phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy, đời sống, lao động, việc làm sẽ tiếp tục khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể gia tăng. Điều đáng lo ngại hơn là sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã bào mòn phần tích lũy của người lao động, do đó họ sẽ càng ngày càng chật vật hơn, đây là vấn đề cần phải quan tâm. Nhất là khi chúng ta có quy mô 51,2 triệu lao động ở thời điểm này nhưng tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000 người, giãn việc, mất việc là trên 506.000 người. Vì vậy, chúng ta sẽ phải có nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, ổn định đời sống, đặc biệt không chủ quan nhưng cũng không bi quan” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường lao động 6 tháng cuối năm: Vẫn còn nhiều áp lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO