Theo đánh giá của các chuyên gia, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động (NLĐ) quay lại làm việc, NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp, đã khiến thị trường lao động khởi sắc hơn.
Động lực từ gói hỗ trợ
Theo Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm quý I-2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của NLĐ cả nước trong quý I đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng lưu ý, mặc dù trong quý I-2022 số ca mắc Covid-19 tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, nhưng thu nhập của người lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn có mức tăng trưởng khá.
Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động tại Hà Nội trong quý I ghi nhận đạt 8,5 triệu đồng, tăng 17,4%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng/tháng so với quý trước; lao động tại Bắc Ninh có thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 8,3% và thu nhập của lao động tại Hải Phòng đạt 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,3% so với quý IV-2021.
Những con số trên bộc lộ một bức tranh thị trường lao động tươi sáng hơn. Giới chuyên gia đánh giá, có được gam màu sáng đó nhờ sự nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với các chính sách thích ứng linh hoạt, hoàn thành tiêm vaccine ngừa Covid-19… những yếu tố đó đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá.
Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Mới đây nhất, Chính phủ đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Nguồn kinh phí dự trù cho gói hỗ trợ này khoảng 6.600 tỷ đồng, nằm trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng phục hồi phát triển kinh tế.
Theo đó, mỗi NLĐ đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ 500.000đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng. Chính sách hỗ trợ này sẽ giải quyết một phần khó khăn của NLĐ.
Tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững
Mặc dù đánh giá bức tranh lao động đã có nhiều điểm sáng, đời sống NLĐ đã được cải thiện đáng kể, song ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, thị trường lao động vẫn đang còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững.
Lực lượng lao động tăng so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 403,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra đại dịch. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý này vẫn thấp hơn khoảng 3,25 điểm phần trăm những năm trước dịch. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức, phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Lao động tự sản tự tiêu vẫn cao hơn những năm trước đó khoảng 700 nghìn người.
“Để đạt được trạng thái bình thường như thời kỳ trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các chương trình phục hồi nhiều hơn nữa” - ông Nam nhấn mạnh.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến, mặc dù có nhiều khởi sắc vào quý I-2022 nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố bất ổn. Số người có việc làm tăng nhanh và tăng nhiều ở một số khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Nỗ lực tiếp sức cho NLĐ
Bộ LĐTB&XH dự báo trong năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để thị trường lao động phục hồi, theo các chuyên gia, cần sớm triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ, đẩy nhanh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời, cần triển khai các chính sách để thu hút lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 cần được sớm triển khai để tạo động lực cho DN, NLĐ ổn định cuộc sống tránh đứt gãy chuỗi sản xuất vì thiếu nguồn nhân lực.
“Quy định đã có, việc triển khai cần khẩn trương để sớm hỗ trợ được người lao động, giúp họ phấn khởi trong làm việc. Ngoài ra, cán bộ công đoàn cần phải nâng cao trách nhiệm trong hỗ trợ người lao động. Tổ chức công đoàn phải khẳng định vai trò trong việc đồng hành và giám sát để không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách và để công nhân lao động yên tâm” - chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho NLĐ, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, chính sách bắt đầu được triển khai từ ngày 1/4 và thời gian nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 15/8. Tuy nhiên, đến thời điểm này (cuối tháng 4/2022), một số địa phương mới ban hành kế hoạch, hướng dẫn triển khai chính sách.
“Việc triển khai chính sách cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương, bộ ban ngành để khi có vấn đề nảy sinh, lập tức cùng tháo gỡ, giải quyết. Thực hiện chính sách với tinh thần thủ tục đơn giản nhất, gọn nhất cho người lao động. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ nhanh nhất cho người lao động. Muốn vậy, phải có cơ chế cùng chịu trách nhiệm” – ông Nguyễn Trọng Bình Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH.