Rất nhiều vấn đề như cải cách lương, sáp nhập các sở ngành, giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc…đã được các cơ quan thông tấn báo chí gửi tới lãnh đạo Bộ Nội vụ tại họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 9/5.
Trả lời câu hỏi về bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, sắp tới sẽ không còn hình thức kỷ luật giáng chức cán bộ nữa. Việc bỏ hình thức kỷ luật này là phù hợp với 4 mức kỷ luật bên Đảng gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc khai trừ. Như vậy hình thức kỷ luật với cán bộ cơ quan nhà nước sẽ không còn là 5 cấp gồm khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc như trước mà chỉ còn 4 mức.
Trả lời câu hỏi có công bố danh tính những phụ huynh có con nâng điểm hay không, ông Nguyễn Tư Long cho biết, các sai phạm của cán bộ, công chức, nếu sai đến đâu xử lý đến đó. “Nếu cá nhân các đồng chí này có tác động đến quá trình chạy điểm sẽ xử lý nghiêm. Việc công bố danh tính phải cân nhắc phải dựa vào hành vi vi phạm, quan trọng là sai đến đâu xử đến đó” - ông Long nói.
Về câu hỏi xử lý thế nào với những giáo viên hợp đồng có thể bị mất việc nếu không vượt qua kỳ thi công chức, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức cho hay, đó là thuộc thẩm quyền của địa phương. Địa phương có thể lựa chọn giữa thi tuyển và xét tuyển để lựa chọn người, nhưng phải đảm bảo mặt bằng chung. Nếu không đáp ứng được yêu cầu phải đảm bảo công bằng. Trong trường hợp vị trí việc làm mà thiếu, nếu tăng cơ hội cho người này là tước cơ hội của người khác.
Trả lời câu hỏi bình luận của Bộ Nội vụ về đề xuất đổi giờ làm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Vụ trưởng Vụ Tiền lương Nguyễn Quang Dũng cho rằng: Bộ Nội vụ đề nghị giữ nguyên giờ làm theo quy định hiện hành.
Về lương sẽ được trả thế nào vào năm 2021 ông Dũng cho biết, sẽ thiết kế toàn bộ thang bảng lương 5 bảng lương. Theo đó sẽ có bảng lương với các chức danh lãnh đạo, lương cho công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ, bảng lương sĩ quan, công nhân quốc phòng, Công an... Cải cách tiền lương dựa rất nhiều vào vị trí việc làm vào năm 2021 gắn ngạch chức năng nghề nghiệp cụ thể. Việc bổ nhiệm ngạch là do cơ quan quản lý quyết định sẽ thi hay xét vào vị trí đó.
Về sắp xếp các sở ngành, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thông tin: Mục tiêu của việc sửa đổi Nghị định 24 và 37 là muốn 1 việc chỉ 1 người thôi, trước đây có sự trùng lắp giữa các ngành, sở. Thế nên mới sửa đổi 2 Nghị định này để bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, tăng phân cấp phân quyền cho nền hành chính. Thực tế, nhiều địa phương chủ động hợp nhất một số sở ngành, tuy nhiên đã phải dừng lại. Bởi sáp nhập không phải theo cơ học mà làm sao tránh chồng chéo, phân định nhiệm vụ cho rõ. Ông Thừa cho biết, thời gian tới 2 nghị định mới này sẽ sớm ban hành để địa phương trong cả nước thống nhất hoạt động theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương.