Hoạt động giám định tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và giải quyết tranh chấp xảy ra giữa các tổ chức, cá nhân. Vì trên cơ sở kết quả giám định tư pháp, cơ quan chức năng mới đưa ra được phán quyết đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hoạt động giám định tư pháp vẫn chưa thực sự được các bộ, ngành coi trọng.
Theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý chung về giám định tư pháp (GĐTP). Các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn và UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực giám định cụ thể thuộc phạm vi lĩnh vực, thẩm quyền.
Các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương (TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) có trách nhiệm trong việc thông tin, phối hợp với các bộ, ngành quản lý về GĐTP trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, tại cuộc họp về Dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác giám định tư pháp diễn ra mới đây, nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng, đến nay việc quản lý chỉ mới dừng lại ở Bộ Tư pháp, còn các bộ, ngành khác đều rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Báo cáo đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” của Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng, việc tổ chức họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở cấp Trung ương chưa được thực hiện đúng định kỳ như quy định. Một số thành viên Ban Chỉ đạo còn thiếu quan tâm, chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành mình được giao theo Đề án, Luật Giám định tư pháp; chưa chủ động, chỉ đạo, đôn đốc địa phương thuộc địa bàn được phân công theo kế hoạch và Kết luận của Trưởng Ban tại các phiên họp Ban Chỉ đạo.
Một số thành viên Ban Chỉ đạo còn chưa tham dự một phiên họp nào của Ban Chỉ đạo (Lãnh đạo Bộ Công an, TAND Tối cao) hoặc khi được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Đề án tại một số địa phương thì không thực hiện sự phân công này (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao)…
Bên cạnh đó, một số quy định cần thiết về thời hạn giám định, hướng dẫn về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định, Quy chế phối hợp trong thực hiện giám định pháp y tử thi giữa Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh chưa được ban hành, quy định về chi phí giám định chưa được triển khai thực hiện phù hợp với thực tế...
Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp nêu thực trạng hàng năm, Bộ Tư pháp đã có văn bản đôn đốc, nhưng cũng không rõ gửi văn bản đôn đốc về đơn vị nào và cơ quan nhận văn bản cũng chưa giao cho bộ phận liên quan trực tiếp đến hoạt động tố tụng.
Theo đó, Quy chế sẽ tạo lập cơ chế thông tin thông suốt, kịp thời và phối hợp toàn diện, hiệu quả giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC, TANDTC trong tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động GĐTP dựa trên nguyên tắc thường xuyên, kịp thời, đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị.
Công tác phối hợp được triển khai dưới nhiều hình thức. Cùng với đó, Quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan có liên quan để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả phối hợp trên thực tế.
Cho ý kiến xung quanh Dự thảo Quy chế phối hợp, Phó Viện trưởng Viện khoa học Hình sự Bộ Công an Hoàng Ngọc Phương cho rằng Dự thảo Quy chế phải làm rõ hai vấn đề: Giao Bộ Tư pháp làm đầu mối tiếp nhận tất cả thông tin, trong hoạt động giám định tư pháp và các bộ, ngành phải phát hiện, thông báo Bộ Tư pháp các vấn đề phát sinh trong hoạt động trưng cầu và tiến hành giám định tư pháp.
Ngoài ra, ông Phương cũng nêu lên thực tế Cơ quan Cảnh sát điều tra có nhiệm vụ tổng hợp, nắm bắt các thông tin về trưng cầu giám định vì đây là hoạt động điều tra, tuy nhiên hoạt động giám định pháp y còn gặp rất nhiều vướng mắc do còn một số quy định bị vênh giữa Bộ Công an và Bộ Y tế. Do đó, cần thiết có sự tham gia của Bộ Y tế trong Quy chế phối hợp.