Theo một báo cáo về thị trường IT Việt Nam của nền tảng tuyển dụng TopDev, trong năm 2021, Việt Nam cần khoảng 450.000 nhân lực trong ngành Công nghệ thông tin (CNTT). Tuy nhiên, số lượng lập trình viên hiện tại mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.
Thống kê từ các nhà tuyển dụng cũng chỉ ra, trong số 55.000 sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp hàng năm chỉ có 30% có đủ kỹ năng và trình độ vào làm tại doanh nghiệp.
Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao
Trên thực tế, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho ngành CNTT hiện luôn ở mức cao nhất từ trước tới nay. Với khoảng hơn 45.000 doanh nghiệp trong ngành đang hoạt động ở Việt Nam, nhu cầu việc làm trong 2021 vào khoảng hơn 117.000 nhân lực, tăng tới 36% so với năm 2020.
Không chỉ tăng mạnh về số lượng, mức lương được doanh nghiệp chi cho nhân lực CNTT, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cũng đang ở mức kỷ lục. Từ mức cơ bản nhất là 342 USD/tháng cho đến tối thiểu là hơn 2.000 USD/tháng cho các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn cao hơn. Dự kiến mặt bằng này sẽ tiếp tục được tăng mạnh trong thời gian tới.
Dẫu thế, có tới hơn 40% các doanh nghiệp CNTT thừa nhận họ đang rất khó khăn để tìm kiếm nhân sự cho các mảng quan trọng như quản lý, giám sát và kiến trúc hệ thống. Cần lưu ý mức thu nhập cho những nhân sự dạng này vào khoảng 1.300 USD cho đến hơn 2.200 USD/tháng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ, nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT được đánh giá chưa bao giờ giảm nhiệt. Lĩnh vực công nghệ vẫn có xu hướng tuyển dụng lớn và thường xuyên, ở một số vị trí đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, như kỹ sư, lập trình viên. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyển dụng, do vậy khá nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tuyển dụng lâu dài nhằm tìm kiếm những ứng viên tiềm năng. Mức lương doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người lao động trong lĩnh vực này chủ yếu từ 7-9 triệu đồng/tháng, chiếm 43,75%; trên 15 triệu đồng/tháng, chiếm 25%.
Cơ sở giáo dục đại học hợp tác nâng “chất” đào tạo
Mới đây, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến về đào tạo nhân lực CNTT với sự tham dự của 5 đại học (ĐH) và trường ĐH hàng đầu về lĩnh vực này. Theo đó, sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học để phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số, tận dụng và chia sẻ nguồn lực của nhau đã được đặt ra.
Đại diện các trường ĐH đều ủng hộ ý tưởng kết nối đào tạo ngành “hot” này. Đại diện ĐH Quốc gia TP HCM coi đây là cơ hội tốt để các trường có cơ hội hợp tác cùng nhau thúc đẩy phát triển giáo dục đại học trong lĩnh vực đào tạo nói chung và CNTT nói riêng. Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng cho biết, đã xây dựng đề án chuyển đổi số, song song triển khai đề án đào tạo trực tuyến. Trường đã ký kết hợp tác với 7 trường kỹ thuật để cùng nhau chia sẻ học liệu, thực hành. Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng cho biết thêm, các trường xây dựng định hướng chương trình đào tạo hợp lý, từ đó xây dựng kho dữ liệu chung để chia sẻ. Trường đang triển khai khá tốt hợp tác với doanh nghiệp, sinh viên có cơ hội đến thực hành tại doanh nghiệp.
Đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, liên kết công nhận tín chỉ góp phần đưa ra tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Hiện mức học phí không cao, đề án đào tạo CNTT có thể triển khai chính sách lấy thu bù chi, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng đào tạo, xây dựng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Cần có mặt bằng chung để tiệm cận trình độ, các thầy cô tiếp cận mặt bằng như nhau. Có thể chia sẻ hệ thống học liệu khung đảm bảo chất lượng trao đổi học thuật; Hỗ trợ, dành nguồn lực giảng dạy, lựa chọn tự học cho sinh viên.
Gắn kết với doanh nghiệp
Hiện tại Việt Nam đang có 149 trường ĐH, 412 trường cao đẳng và trung cấp có đào tạo về CNTT, hàng năm cung cấp ra khoảng 55.000 kỹ sư. Tuy nhiên phần lớn kiến thức mà sinh viên được tiếp xúc tại các cơ sở này đều chỉ là cơ bản, thiếu chiều sâu và chuyên biệt cụ thể, do không ít trong số này khi bước ra đi làm cần phải đào tạo lại.
Chia sẻ của các công ty tuyển dụng cho hay, để tuyển dụng một nhân sự CNTT chất lượng cao là rất khó khăn, nhiều khi đưa ra mức lương cao cũng không tìm được người thích hợp. Do đó, nhiều công ty đã phải chuyển hướng sang những sinh viên mới ra trường, hoặc nhân sự có trình độ thấp hơn trong lĩnh vực mình mong muốn nhưng hầu hết đều cần quãng thời gian 3-6 tháng để đào tạo lại mới có thể bắt tay vào công việc.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, không ít các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư vào công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng kinh doanh. Do đó, các cơ sở đào tạo cần kết hợp với họ, đưa ra các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, khi đó sẽ vừa có nhân lực chất lượng cao và có cả đầu ra cho những người này.
Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đã được thực hiện và mang lại đầu ra thực tế. Có thể kể đến như: Vingroup đặt hàng 54 trường ĐH, sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT trong vòng 10 năm tới; Viettel, VNPT hợp tác với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện công nghệ Bưu chính - Viễn thông… nhằm đào tạo nhân sự chất lượng cao hàng năm.
Theo báo cáo thị trường của TopDev, sự thiếu hụt nhân lực ngành CNTT xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ củalập trình viên và các yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực khi nhu cầu thị trường tăng lên đến 530.000 người.