Thiếu không gian công cộng: Hà Nội không thể “xanh”

Anh Vũ – Minh Phương (thực hiện) 07/07/2015 10:00

Hiện nay, trung bình ở Hà Nội một người dân chỉ được hưởng 1,7m2 vườn hoa sân chơi (VHSC), con số này so với mức chung của các nước trên thế giới là quá khiêm tốn. Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, việc phát triển không gian công cộng, VHSC là điều kiện cần thiết để Hà Nội hướng đến mục tiêu là thành phố xanh, thân thiện, văn minh.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm

PV: Thưa ông, thời gian qua, dư luận xã hội đã nói nhiều đến thực trạng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng, vườn hoa sân chơi, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thủ đô. Nhận định của ông về vấn đề này?

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Một trong những tiêu chí để hướng đến Hà Nội xanh đó chính là phát triển không gian công cộng, VHSC. Tuy nhiên, vấn đề này ở Hà Nội đang trở thành một thực trạng khi mà diện tích bình quân VHSC ở Hà Nội chỉ đạt 1,7m2/người. Thậm chí có quận nội thành không có một mét vuông nào dành cho VHSC như quận Thanh Xuân. Trong khi đó, về quy định người dân phải được tiếp cận với vườn hoa sân chơi ít nhất là 2m2/người. Ở Nhật Bản con số này là 7,5m2 cho một người, còn các nước phát triển như ở Châu Âu, diện tích thường là 20-27m2/ người. Nói như vậy không phải là chúng ta không cố gắng phát triển diện tích VHSC. Nếu như cách đây hơn 10 năm, Hà Nội mới chỉ có 170ha cây xanh và với khoảng 40 công viên thì đến nay đã có 380 ha và hơn 60 công viên. Đó đã là cố gắng lớn. Nhưng rõ ràng với kết quả đó thì còn có một khoảng cách rất xa so với các nước trên thế giới. Đó là một thực tế cần phải lưu ý. Một thực tế nữa, nhiều công viên, vườn hoa lớn hiện nay vẫn do chủ đầu tư đứng ra quản lý. Con số đó là khoảng 140/ 380 ha. Như vậy vẫn còn tới 40% diện tích công viên, VHSC do khoảng 10 chủ đầu tư nắm giữ, và đương nhiên, chủ đầu tư sẽ thu phí khi người dân tham gia vào diện tích này. Bởi thế mới dẫn đến thực trạng, người dân rất khó tiếp cận được với VHSC.

Hà Nội đang đặt ra mục tiêu sẽ phát triển để tăng nhiều hơn diện tích VHSC, không gian công cộng, trong đó có việc tính đến di dời các trường đại học, các cơ quan công sở, nhà máy, khu công nghiệp… Mục đích đặt ra như vậy, song dường như thực hiện chưa được bao nhiêu, thưa ông?

Tôi nghĩ một trong những thuận lợi của Hà Nội chính là chúng ta có một quỹ đất khá lớn để có thể khai thác không gian công cộng, VHSC. Hà Nội hiện có hơn 400 ha đất dành cho các chung cư trong nội đô và chính quyền đang quyết tâm cải tạo lại với định hướng là dành 10% trong số đó để xây dựng VHSC, điều đó là rất đúng đắn. Nói về vấn đề di dời các trường đại học, cơ quan công sở. Hiện nay Hà Nội có khoảng 70 vạn sinh viên, gần 60 trường đại học. Theo định hướng của Chính phủ, Hà Nội sẽ chỉ còn 30 vạn sinh viên trong nội đô. Tiếp nữa, Hà Nội hiện có 30 bộ ngành trong nội thành thì hiện nay đã di dời 4 bộ ngành nhưng vẫn giữ nguyên trụ sở, 6 đơn vị sắp đi thì chưa thấy có định hướng, ngoài ra còn rất nhiều trụ sở cơ quan bộ ngành khác chưa nêu ra được là sẽ làm gì với diện tích đất cũ khi di dời. Trong khi theo chỉ đạo, kế hoạch sẽ ưu tiên xây dựng những công trình công cộng, vườn hoa sân chơi, thì hầu như chưa đạt được...

Rõ ràng, thực tế diện tích VHSC trên đầu người của Thủ đô còn thấp, nhưng nhiều điểm công viên, vườn hoa, sân chơi lại bị người dân sử dụng sai mục đích. Theo ông giải quyết thực trạng này ra sao, và làm sao để tăng được diện tích VHSC ở thủ đô?

- Chúng ta có tiềm lực lớn nhưng làm sao để khai thác một cách hiệu quả tiềm lực đó, đây là vấn đề cần phải đặt ra. Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có hơn 300ha đất dành cho công viên, vườn hoa sân chơi, nhưng bao nhiêu chỗ dành cho sân chơi, bao nhiêu chỗ dành cho kinh doanh? Chính quyền thành phố phải tính toán rà soát lại để phân bố một cách hợp lý. Đi kèm với đó là đổi mới trong cách thức quản lý. Ở các nước, việc quản lý các khu dịch vụ, không gian công cộng người ta giao cho đại diện các cộng đồng dân cư từng khu vực một, họ thực hiện rất tốt. Để khi có vấn đề xảy ra, chỉ cần cộng đồng có ý kiến là cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý ngay. Hà Nội có đủ tiềm năng, có đủ năng lực để thực hiện những chỉ tiêu đặt ra, vấn đề còn lại là vai trò của cộng đồng, vai trò của các nhà quản lý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu không gian công cộng: Hà Nội không thể “xanh”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO