Thờ liệt sỹ giữa lồng lộng gió đồi

Dương Thanh Tùng 26/07/2016 23:20

Từ Quốc lộ 1A, ở Km 791, rẽ trái, theo con đường đất đỏ vắt qua những ngọn đồi nhấp nhô xanh mướt của vùng Bướm Bạc (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chừng mười cây số, tôi gặp căn nhà nhỏ nằm bên suối cạn. Nơi cửa sổ, một bà lão phúc hậu đang thong thả nhai trầu. Nghe chúng tôi hỏi thăm người gần 40 năm đi tìm mộ liệt sỹ, bà lão cười đôn hậu: Ôông (ông) Hội nhà tui đó, mời mấy eng (anh) vô mần chén nước!

Thờ liệt sỹ giữa lồng lộng gió đồi

Ông Cáp Đình Hội trước am thờ sỹ quan và chiến sỹ.

Ông Cáp Đình Hội, chồng bà lão dẫn chúng tôi đi thắp hương ở 2 am thờ đồng đội đã hy sinh trong các trận đánh lẫy lừng phía Tây và phía Nam vùng Hải Chánh. “Am to thờ sĩ quan, am nhỏ thờ chiến sỹ” – ông lão cận kề tuổi 90 nói với chúng tôi như thế. Gần 40 năm, từ lúc trở về quê hương từ miền đất Kiên Giang cực Nam của tổ quốc, ngày nào ông Hội cũng hương khói chu đáo cho liệt sỹ ngã xuống ở những ngọn đồi nhấp nhô tít tắp của dải bình nguyên Bướm Bạc.

Ông Hội kể, cách 2 am thờ liệt sỹ của ông gần 3 cây số đường chim bay có một bệnh viện dã chiến của bộ đội ta thời chống Pháp tên là bệnh viện Neng. Ở đấy còn 15 hài cốt liệt sỹ nữa mà ông chưa thể đưa về. Ngày nào anh em còn nằm lại giữa rừng là ngày ấy ông còn canh cánh chưa yên...

Trong một trận chống càn ở xã Hải Chánh, sau khi tiêu diệt nhiều lính lê dương, ông Hội (lúc ấy là tiểu đoàn trưởng) cho quân rút lên vùng bình nguyên Bướm Bạc, chiếm lĩnh các ngọn đồi, tiếp tục chiến đấu. Do địch đông và có vũ khí hiện đại nên đơn vị ông có 20 chiến sĩ bị thương, ngã xuống....Dứt trận càn, ông cùng mọi người đưa thương binh nặng lên bệnh viện Neng. Tại đây 15 đồng đội của ông vĩnh viễn nằm lại. Tự tay ông đã chôn cất anh em trong một cánh rừng sát bệnh viện.

Năm 1954 ông Hội được cấp trên điều động về Trung đoàn 101 ở chiến trường Trung Lào. Năm 1960, ông lại được điều chuyển về Đoàn 200 Bình - Trị - Thiên, đánh giặc ở mặt trận phía Nam. Năm 1966, ông bị địch bắt đưa đi giam giữ tại nhà tù Côn Đảo. Tháng 10-1967, ông cùng 4 chiến sĩ khác vượt ngục với hy vọng trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. 2 người trong nhóm vượt ngục bị địch phát hiện, bắn chết ngay tại hàng rào kiên cố của khu biệt giam B2. Ông Hội và 2 người khác thoát ra ngoài, nhập lực lượng T66 của huyện đảo Phú Quốc và tham gia chiến đấu cho đến ngày toàn thắng...

***

Bướm Bạc là đồi bướm. Mỗi buổi chiều khi vô vàn cánh bướm lao chao trên vùng đất bạc, ông Hội lại khập khiễng đôi chân còn sót lại 2 viên đạn ở đầu gối, ra am thờ liệt sỹ , khắc khoải trông về cánh rừng tít tắp phía Tây, nơi còn 15 đồng đội chưa được đưa về...

40 năm trở lại quê hương là 40 năm người thương binh già lặn lội khắp các cánh rừng phía Tây Bướm Bạc tìm hài cốt đồng đội. Tuổi cao, sức yếu, đường đi vừa xa, vừa khó nên ông làm một cái lán trú, nghỉ qua đêm giữa rừng. Thương cha và cảm động trước việc làm thiêng liêng cao cả, các con trai của ông đã bỏ việc làm ăn ven đường quốc lộ, lên đồi Bướm Bạc dựng nhà, làm trang trại, cùng ông kiếm tìm liệt sĩ. Ròng rã tháng năm, ông Hội và các con tìm được 24 bộ hài cốt liệt sĩ, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng.

Chỉ tay vào 2 am thờ liệt sỹ, người thương binh già xúc động kể lại: Cuối mùa hè năm 1994, đang đi tìm hài cốt đồng đội giữa trưa nắng nóng, tui dựa lưng vào một gốc cây ngủ thiếp đi và có ai đó mách bảo, tại đây có anh em mình đang nằm! Nhằm đám rễ um tùm đào sâu xuống, tôi gặp ngay hài cốt của một đồng chí mình. Gói ghém, đưa đồng chí ấy về nghĩa trang xong, tôi khấn vái lập 2 cái am, hương khói cho anh em và tìm thêm được 23 hài cốt liệt sĩ...

***

Bà lão Phúc Hậu ngồi bên cửa sổ căn nhà bên suối cạn ở bình nguyên Bướm Bạc là người vợ rất mực chung tình của ông Hội. Sau khi ông bị giặc bắt, tù đày ở Côn Đảo và vượt ngục tham gia chiến đấu biền biệt ở Kiên Giang, bà âm thầm chịu đựng bao gian nan để chờ chồng. Vào một đêm mưa lạnh, có tiếng gọi cửa hỏi bà: “Phải nhà ôông Hội đây khôông?”.

Hàng chục năm ròng rã không gặp mặt chồng nhưng bà làm sao quên được giọng nói mặn như muối của anh con trai Hải Chánh từng tỏ tình với bà trên con đường thôn đầy cát trắng… “Xốn xang ghê lắm chú nờ. Nước mắt trào ướt mặt. Chỉ muốn đẩy cửa nhào ra ôm chặt ôông cho bõ nhớ, rứa tui lại kìm được, nói trổng rổng: nhà ôông Hội đây. Phải ôông Hội thì vô, khôông có thì lại đi đi…” – bà lão vừa thong thả nhai trầu vừa kể lại. Vượt qua bao nỗi đau chia cách do chiến tranh, ông Cáp Đình Hội và bà Lê Thị Trộm, vợ ông đã có những tháng ngày thật tươi đẹp, thật hạnh phúc trên bao la núi đồi của dải bình nguyên Bướm Bạc.

***

Thấm thoắt đã mười mấy năm. Tháng 7 năm 2016 trở về Bướm Bạc, tôi không còn được gặp người thương binh già. Ông Cáp Đình Hội đã nghỉ yên trong lòng đất mẹ Hải Chánh, Hải Lăng cùng với bao đồng đội mà ông cất công đi tìm. 2 người con trai Cáp Quốc Hà và Cáp Thanh Tùng theo cha từ vùng đất Kiên Giang về quê hương Hải Chánh vẫn âm thầm làm công việc mà ông còn dang dở.

Họ cũng đau đáu như ông mỗi khi chiều xuống, cũng nhìn hút vào các đỉnh núi xa, cầu khấn hương hồn đồng đội của cha linh thiêng, chỉ đường dẫn lối để họ đưa về khói hương thờ phụng…

Hơn 200 ha đồi núi cằn khô sau chiến tranh nhờ sự cần cù khai khẩn của người thương binh già Cáp Đình Hội, đã thành những cánh rừng và những vườn tiêu xanh mướt. Gió chiều dào dạt qua vùng Bướm Bạc mênh mông, vẳng trong tôi lời khấn của người thương binh Cáp Đình Hội trước 2 chiếc am thờ sỹ quan và chiến sỹ năm nào: “Đồng đội của tui ơi!. Xin đừng nằm lại giữa rừng!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thờ liệt sỹ giữa lồng lộng gió đồi