Giới lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu các cuộc thảo luận về đề xuất giữa Thổ Nhĩ Kỳ - EU mà họ nhất trí hồi tuần trước. Tuy nhiên, thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư có giá trị nhiều tỷ USD này có khả năng đổ vỡ do gặp phải nhiều phản ứng từ các nước thành viên EU.
Một chiếc áo phao cứu sinh mà người di cư hay dùng để vượt biển
được treo ngay trước trụ sở EU tại Brussels hôm 17/3 (Nguồn: AP)
Ngày 17/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu họp tại Brussels, Bỉ để thống nhất về một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về ngăn chặn dòng người di cư vào các đảo của Hy Lạp. Theo Reuters, cuộc họp diễn ra trong 2 ngày. Các nhà lãnh đạo sẽ đối mặt không ít khó khăn như kế hoạch trục xuất ồ ạt người cư có thể gây nên làn sóng chỉ trích của quốc tế và tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đảo Cyprus, một thành viên của Liên minh châu Âu đe dọa thỏa thuận giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà ngoại giao cho biết, hội nghị này có thể thảo luận việc giải ngân lần thứ hai gói viện trợ 3 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ và bàn chi tiết việc cấp visa miễn phí cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đi du lịch châu Âu vào cuối tháng 6 tới, nếu Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng hàng loạt yêu cầu đúng thời hạn.
Tuy nhiên, các vòng đàm phán lần này có thể chìm trong bối cảnh căng thẳng do bất đồng xung quanh thỏa thuận mà EU ký với Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) cũng thừa nhận rằng thỏa thuận này có “hàng loạt vấn đề” chưa được làm rõ.
Hồi tuần trước, Ankara và Brussels đã có cuộc họp nhằm thảo luận về cách thức hạnh động để giảm sức ép từ cuộc khủng hoảng di cư mà trong đó 1,2 triệu người đổ xô vào châu Âu trong năm ngoái. Trong một thỏa thuận được ký kết giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutolgu, Ankara đã yêu cầu thêm một khoản tiền 3 tỷ euro khác, giải ngân từ nay cho đến năm 2018. Việc này sẽ làm tăng gấp đôi số tiền mà EU phải chi cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này giúp kiểm soát dòng người nhập cư.
Chỉ vài giờ trước khi các lãnh đạo đến vòng họp lần này, Chủ tịch EC Donald Tusk, đã nói rằng ông “lạc quan một cách dè dặt, nhưng phải thú thực là phần dè dặt áp đảo phần lạc quan”. EU đã đồng ý kế hoạch 1-đổi-1 mà Ankara đề xuất, trong đó cứ mỗi người tị nạn Syria đến Hy Lạp được gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ, EU sẽ tiếp nhận một người tị nạn Syria khác.
Hiện nay, theo ước tính, EU đã chuẩn bị được khoảng 72.000 chỗ ở sẵn sàng phục vụ cho người di cư, theo đề xuất trên. Nhưng kế hoạch đầy tranh cãi này đã sớm bị công kích bởi các tổ chức từ thiện và tổ chức di trú, những bên nói rằng kế hoạch trên đi ngược lại các công ước về di trú khi trục xuất người di cư từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
LHQ cũng từng cảnh báo rằng kế hoạch này có thể đi ngược lại luật pháp quốc tế và châu Âu.
Ngoài ra, EU còn hứa hẹn sẽ nhanh chóng thực hiện các tiến trình để cho phép 75 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đến khu vực Schengen của họ mà không cần visa vào tháng 6 năm nay. Đây được coi là một đề xuất quá tham vọng của Ankara, nhưng EU đã buộc phải chấp nhận đề xuất này để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ giúp họ giải quyết khủng hoảng.
Chưa hết, Thổ Nhĩ Kỳ còn yếu cầu mở thêm 5 chương mới trong các vòng đàm phán hội nhập EU từ lâu đã bị trì hoãn của họ. Các vòng đàm phán từng bị thất bại do đảo Cyprus muốn được phép tiến vào các cảng biển của Thổ Nhĩ Kỳ và sự công nhận của nước này. Trong vài ngày qua, ông Tusk đã có chuyến thăm lần lượt đến Nicosia và Ankara để thảo luận về nỗi lo ngại của Cyprus.
Theo hãng tin Financial Times, một dự thảo của thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các bên sắp đưa ra một quyết định tái khởi động các vòng đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ chứ không thêm 5 chương mới trong các vòng đàm phán này. Ông Tusk cũng thừa nhận có nhiều vấn đề khó giải quyết trước khi thỏa thuận có thể đạt được.
Hiện nay còn cả một danh sách dài các vấn đề bất đồng hoặc gây tranh cãi xung quanh thỏa thuận giải quyết khủng hoảng di cư giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Giới chuyên gia phân tích, không loại trừ khả năng thỏa thuận lớn này sẽ bị đổ vỡ nếu như các nước EU không thể đáp ứng được các điều khoản mà Ankara đưa ra, và ngược lại.
Giới lãnh đaok EU hiện nay cũng thể hiện rõ sự hoài nghi của mình đối với cam kết của Ankara, cho rằng nước này cần phải tăng thêm hành động giải quyết khủng hoảng di cư và ngăn chặn dòng người nhập cư. Thủ tướng Đức Angela Merkel còn gạt ngay việc Ankara ép EU đẩy nhanh tiến trình gia nhập khối của nước này như điều kiện để giải quyết khủng hoảng.