Thoát khỏi 'rừng' thủ tục

27/08/2017 07:00

Muốn giảm các loại phí thì phải tiếp tục rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 11 bộ ngành mới đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, có quá nhiều các loại giấy phép khác nhau làm nản lòng doanh nghiệp. Và, phải thoát ra khỏi “rừng” thủ tục ấy.


Thủ tục vướng mắc, hàng hóa khó giải phóng - Một góc cảng Cát Lái (TPHCM). Ảnh: Hoàng Triều.

Trên thực tế, các khoản phí không chính thức và chính thức đã và đang đè nặng doanh nghiệp (DN). Tuần qua, có khá nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề phí và làm cách nào để giảm các loại phí. Giải pháp được đưa ra đó là phải tiếp tục rà soát, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang cản trở sự phát triển của toàn xã hội.

4 năm qua, Chính phủ rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều Nghị quyết (trong đó có các Nghị quyết 19, 35) được ban hành với mong muốn gỡ khó cho DN, cải thiện môi trường đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bãi bỏ, sửa đổi nhiều quy định bất hợp lý gây khó cho DN như, bãi bỏ các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật An toàn thực phẩm.

Cùng với đó, thời gian cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng được rút ngắn. Thời gian xử lý về thủ tục hành chính (TTHC) đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm… cũng được giảm. Các thủ tục thuế, hải quan đều được rút ngắn về thời gian lẫn thủ tục đã đem lại nhiều hy vọng mới về môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng minh bạch cho các DN.

Dù nỗ lực như vậy nhưng so với mục tiêu đã đề ra vẫn chưa đạt. Nghị quyết 19 nêu rõ, đến năm 2017 phải đạt bình quân như các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng thực tế đến nay ta mới chạm ngưỡng ASEAN 6. Ta chưa đạt mục tiêu đề ra là bởi có quá nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất chính là các TTHC, các điều kiện kinh doanh gây khó khiến DN mệt nhoài vì lạc vào“rừng” thủ tục ấy.

Cuộc làm việc ngày 21-8 giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 11 bộ ngành về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, có quá nhiều mặt hàng phải kiểm tra với các loại giấy phép khác nhau làm nản lòng DN. Như sô cô la cần 13 loại giấy phép, trong đó 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm. Một mặt hàng khác là nguyên liệu sản xuất bánh kẹo cũng phải qua kiểm tra theo 4 văn bản gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Một giống cây trồng cũng phải kiểm tra theo 3 thông tư hay mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế… “Cứ chẻ ra như thế thì không ổn. Hiện còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho DN” - Tổ trưởng Tổ công tác nói và chia sẻ: “Tôi nghĩ DN làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như đi lạc vào rừng.”

Khi nói đến các khoản chi phí DN phải bỏ ra khi làm THTC, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương phân tích, nếu thực hiện TTHC mất thời gian là 10 ngày và một nhân công làm thủ tục ta lấy ngày công của một người là 200.000đồng x 10 ngày x 500.000 DN sẽ là con số rất lớn. Thế nên, phải rà soát, cắt giảm bãi bỏ các TTHC bất hợp lý.

Cải cách, cắt giảm TTHC là điều phải thực hiện để xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động. Trong tuần qua liên tiếp các Bộ, ngành như Tài nguyên - Môi trường, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Giao thông - Vận tải… công bố sẽ cắt giảm các TTHC thuộc lĩnh vực mình với nỗ lực giảm chi phí cho xã hội.

Hiện còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho DN”, Tổ trưởng Tổ công tác nói, “tôi nghĩ DN làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như đi lạc vào rừng.”

Mới đây, một số lượng điều kiện kinh doanh khổng lồ (gần 2.000 điều kiện kinh doanh) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bãi bỏ đã làm nức lòng cộng đồng DN. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính; bãi bỏ toàn bộ 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm; bãi bỏ toàn bộ 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất; bãi bỏ toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh; bãi bỏ toàn bộ 80 điều kiện về quy hoạch.

Ngoài ra, cơ quan này còn đề nghị bãi bỏ toàn bộ các điều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, ví dụ như nghề y, nghề kiểm toán và bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện có nội dung không phù hợp khác.

Chưa biết kết quả của công cuộc rà soát, giảm thủ tục thế nào nhưng đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là động thái thể hiện nỗ lực rất lớn từ Chính phủ trong quyết tâm thực hiện năm giảm phí của DN.
Sau đây, xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.

VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG NGUYỄN ĐÌNH CUNG:
Cắt thủ tục để giảm chi phí
Hiện có 4.284 điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề. Các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm từ luật (66), pháp lệnh (3), nghị định (162) và hiệp định (6). So sánh với các tiêu chuẩn về chất lượng thể chế của OECD, CIEM cho thấy các quy định về điều kiện kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết. Những yếu kém, khiếm khuyết của quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang gây ra tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh: tạo ra rủi ro; hạn chế và làm méo mó cạnh tranh; gia tăng chi phí sản xuất; hạn chế sáng tạo, kìm hãm hình thành chuỗi kinh doanh; tác động bất lợi đến DN vừa và nhỏ. Những tác động này đang đi ngược lại và cản trở quyết tâm, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho DN.

Ông Nguyễn Đình Cung.

Có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. CIEM tính toán, nếu giảm được 30% trong số 100.000 mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành như hiện nay có thể giúp nền kinh tế tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4.300 tỷ đồng. Nếu giảm 50% sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỷ đồng.

Giảm phí cho DN, đây là dư địa cực lớn, nếu làm được việc này, hiệu quả kinh doanh của DN tăng lên, góp phần tăng trưởng GDP. Nếu giảm được 1 điểm % chi phí logistic, nền kinh tế sẽ có thêm nhiều tỷ USD, khiến cho tăng trưởng không chỉ loanh quanh 6,7% mà có thể đạt được 8 – 9%.

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ VCCI ĐẬU ANH TUẤN:
Các điều kiện kinh doanh đang bị lạm dụng
Các điều kiện kinh doanh hiện nay đang có hiện tượng bị lạm dụng, việc đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh không đồng nghĩa với việc lĩnh vực kinh doanh đó được kiểm soát tốt hơn cũng như hạn chế nhiều hơn những rủi ro cho người tiêu dùng. Từ cơ sở đó và thực tiễn những kiến nghị của DN cần phải loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phục vụ lợi ích chung, và nâng cao chất lượng của các điều kiện kinh doanh. Để làm được điều này, thì DN cần phải kịp thời phản ánh và mạnh dạn kiến nghị trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hiệp hội ngành nghề”.


Ông Đậu Anh Tuấn.

Cách đây 1 năm, Chính phủ đã rà soát hàng nghìn điều kiện kinh doanh và cho thấy vẫn còn cần phải loại bỏ bớt điều kiện kinh doanh nữa. Qua rà soát mới thấy không gian cải cách điều kiện kinh doanh vẫn còn rất nhiều. Để tránh gánh nặng phí đè lên DN, cần tránh ban hành các điều kiện kinh doanh một cách vô tội vạ, thiếu tính thực tiễn. Ban hành điều kiện kinh doanh nếu gây thiệt hại cho DN thì cần phải xem xét và điều chỉnh kịp thời. Các điều kiện kinh doanh phải là các điều kiện khuyến khích tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa “lớn lên” chứ không phải là công cụ để bảo hộ sự độc quyền của các DN nhỏ hay vì lợi ích một nhóm người trong xã hội.

THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ ĐẶNG HUY ĐÔNG:
Không kiểm soát được phí là giết dân và DN
Không kiểm soát được chi phí không chỉ là gánh nặng cho DN, cho xã hội mà không kiểm soát được các khoản phí là giết dân và DN… Muốn giảm chi phí không chính thức hay còn gọi là nạn tham nhũng vặt phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa người với người trong thực hiện TTHC. Theo đó phải xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, qua mạng, tránh tiếp xúc trực tiếp thì ít cơ hội cho tham nhũng. Còn với chi phí chính thức còn nhiều dư địa.Chẳng hạn với các trạm BOT giao thông người ta phản đối vì nó không tuân thủ đúng nguyên tắc. Sao lại không công khai lưu lượng xe? Nếu công khai sẽ biết phí thế nào là hợp lý. Nếu còn tù mù, dân còn phản ứng.


Ông Đặng Huy Đông.

Nhất thiết phải giảm chi phí chính thức để gỡ khó cho DN bằng việc rà soát các TTHC. Chính phủ cũng ý thức được điều này nhưng cách làm hiện nay là chưa chuẩn, vì việc rà soát vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào bộ ngành. Chẳng ai tự lấy đá đập chân mình.Thủ tục được sinh ra để có lợi cho cơ quan quản lý, tất nhiên chẳng ai muốn cắt bỏ.Thế nên, phải có cơ quan độc lập, khách quan phối hợp để cắt bỏ TTHC bất hợp lý.Các nước khác họ đã làm như vậy. Một cơ quan độc lập, khách quan có thẩm quyền giám sát và chịu trách nhiệmvề kết quả rà soát thì việc cắt hay không cắt. Cần phản biện chính sách một cách khách quan, khoa học, tất nhiên ta tôn trọng quyền quản lý và không thái quá phản ứng chính sách nhưng phải đúng quy trình và phải tường minh.

Nguyên Khánh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoát khỏi 'rừng' thủ tục