Từ vùng đất khô cằn và chỉ trồng những loại cây như lúa, đậu… giờ đây sau vài năm chuyển đổi cây trồng, người dân ở phường Hương An (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã biến nơi đây thành một trong những vựa hành lá lớn của địa phương. Nhờ đó, cuộc sống người dân từng bước được nâng lên, thoát nghèo bền vững.
Trước đây, hầu hết diện tích đất ở phường Hương An, thành phố Huế (trước thuộc thị xã Hương Trà), tỉnh Thừa Thiên Huế được người nông dân trồng cây lúa nước là chủ yếu, thế nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thấp, vì thế đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, càng về sau nhiều diện tích đất trồng lúa bỏ hoang ngày càng gia tăng.
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, cũng như nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với việc trồng hành lá, do đó từ những năm 2000 - 2005, những diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chính quyền địa phương vận động người dân chuyển sang trồng hành.
Chỉ sau một thời gian ngắn khi được trồng ở vùng đất Hương An, cây hành lá đã phát triển rất nhanh, hiệu quả kinh tế đem lại lớn hơn rất nhiều so với trồng lúa nước. Dần dần, nhiều hộ dân tại đây bắt đầu chuyển từ trồng lúa nước sang trồng hành, biến vùng đất Hương An thành “thủ phủ” hành lá của thành phố Huế riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Bà Hà Thị Phiếu (55 tuổi, trú tại phường Hương An) cho biết, trước đây gia đình chủ yếu trồng lúa và cây đậu, sau khi những loại cây trồng này không mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên cách đây khoảng tầm 5 năm, gia đình bà đã quyết định chuyển qua trồng cây hành lá và gắn từ đó cho đến nay.
Theo bà Phiếu, gia đình bà trồng khoảng 2 sào hành lá, mỗi năm trồng 3 vụ. Trồng hành không vất vả như trồng lúa mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn nhiều. Nhờ cây hành mà đời sống của gia đình bà ngày được nâng lên.
“Theo tính toán cứ 1 luống hành lá đã cho thu nhập cao hơn so với 1 sào trồng lúa. Nếu thời điểm được mùa được giá, mỗi sào hành cho lợi nhuận cao hơn gấp rất nhiều lần so với 1 sào lúa, đem lại nguồn thu rất lớn cho người nông dân” - bà Phiếu nói.
Cạnh đó, ông Lê Ích Hòa (trú tại phường Hương An) cho biết, đối với cây hành, cứ khoảng tầm 45 ngày sẽ cho thu hoạch 1 lần (1 vụ có 3 lần thu hoạch). “Nếu thuận lợi cả về năng suất và giá cả, cứ mỗi sào hành với giá thành dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng. Hiện tại giá hành lá trên thị trường đang ở mức 9.000 đồng/kg, với giá thành đó thì cũng đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con và cao hơn nhiều so với trồng lúa” - ông Hoà nhẩm tính.
Chia sẻ về đầu ra của cây hành lá, ông Hoà cho biết, thị trường của cây hành hiện đang rất ổn định, hành lá Hương An không chỉ cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn xuất đi các tỉnh, thành lân cận. “Hàng ngày thương lái đến mua ngay tại vườn. Bà con trồng hành ai nấy đều rất vui và phấn khởi vì nhờ cây hành mà nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định” - ông Hòa cho biết.
Theo ông Hòa, trước đây đời sống bà con nơi đây đa số là hộ nghèo, từ ngày chuyển qua trồng cây hành lá, đời sống của người dân ngày một nâng lên, ai nấy có nhà cửa khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn.
Để người dân có thêm điều kiện phát triển cây hành lá, chính quyền địa phương đã cải tạo hệ thống kênh mương dẫn nước đảm bảo cung cấp đầy đủ nước đến các ruộng hành của bà con. Nhờ đó mà sản lượng hành lá mỗi năm ngày càng tăng lên.
Việc người dân chuyển từ trồng lúa, ngô, đậu… sang trồng hành đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Mỗi ngày, vựa hành Hương An xuất ra thị trường khoảng 10 - 12 tấn hành, mỗi năm hàng ngàn tấn, đi các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và các tỉnh thành lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam... trở thành một trong những vựa hành lá lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế.