Giống gà chín cựa (hay còn gọi là gà truyền thuyết) đã giúp người dân ở vùng lõi của rừng Quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) thoát nghèo.
Gà chín cựa ở vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Chuyện về một loài gà lạ
Gần đây, trong lần “đột nhập” vào vùng lõi của rừng Quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) một nhóm người đã phát hiện ra loại gà có tới chín cựa. Liên hệ với loại gà của truyền thuyết, họ cho rằng đây là loại gà nằm trong lễ vật thách cưới Mỵ Nương Công chúa của truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Thông tin được lan truyền, xã Xuân Sơn nhanh chóng “nổi tiếng” từ giống gà này.
Theo người người Dao đeo tiền và người Mường (rừng Quốc gia Xuân Sơn) thì giống gà chín cựa đã có từ lâu. Thế nhưng họ chưa bao giờ gọi là gà chín cựa như người Kinh mà họ gọi nó với một cái tên nâng niu: “Gà chúa”. Ông Lý Phúc Lâm, xóm Cỏi cho biết: Người Dao rất coi trọng ngày Lập Tịch (có nơi còn gọi là Cấp Sắc), để làng bản và trời đất công nhận sự trưởng thành của người con trai từ trước đến nay ở Xuân Sơn không thể thiếu gà chín cựa để dùng làm tế lễ. Thông thường, để làm lễ này, dù giàu hay nghèo các gia đình vẫn phải chuẩn bị đủ 20 con gà nhiều cựa.
Gà nhiều cựa thân hình mảnh dẻ, mang dáng dấp của gà rừng. Mào gà đỏ rực, đuôi gà vồng cong như cầu vồng. Tuy với vóc dáng nhỏ bé nhưng chân gà lại vồng to, óng lên mầu vàng quyến rũ và to như chân gà Đông Cảo, chỉ khác biệt là mỗi bên chân có từ 4 đến 5 cựa (tổng cộng 2 chân chín cựa). Thịt gà chắc thơm và giòn, vị ngọt mà không giống gà nào khác có được.
Theo ông Bàn Xuân Lâm – Chủ tịch xã Xuân Sơn: Đó là giống gà của người Dao từ xa xưa, khi tôi lớn lên nó đã có rồi. Nhà nào cũng nuôi chừng mười con. Giống này lạ lắm, muốn nhân rộng ra nuôi nhiều hơn rất khó. Và gà này có cái rất “kiêu” và hiếu chiến. Nếu đã nuôi nó trong nhà thì không thể nuôi được các loại gà khác nữa. Có nuôi chung thì một là nó tự bỏ đi, hai là gà khác phải đi và nếu không thì nó cũng đá cho bằng chết. Hơn nữa, gà này còn có cái lạ, nếu nuôi nó trong nhà thì cầy, cáo cũng không dám bén mảng đến nữa.
Đàn gà chín cựa của nhà trưởng bản Phúc.
Tận dụng để làm giàu
Từ khi cuộc sống khấm khá, người ta sính tìm tòi những động vật hiếm lạ để bồi bổ cơ thể thì động vật rừng trở thành đặc sản. Cũng như các loại động vật khác, từ vô tình được phát hiện, thông tin được loan truyền, gà chín cựa ở Xuân Sơn trở lên nức tiếng.
Thời điểm này, giá bán 1 kg gà chín cựa đã lên đến 450 - 500 ngàn đồng. Tại đây, nhiều đại gia tìm vào, có những con gà trống lâu năm, khỏe khoắn, mào đỏ như hoa chuối rừng, mỗi bên chân có đủ chín cựa thì họ đã không ngại đến vài triệu/con.
Anh Triệu Quảng Thắng một người Dao đeo tiền ở Bản Lấp cho biết: Bằng việc nắm bắt và tận dụng cơ hội này hiện nhà anh lúc nào cũng duy trì một đàn hơn chục con, trong đó lúc nào cũng có khoảng 10 con có thể xuất chuồng. Mỗi năm ước chừng cho thu từ 15 – 20 triệu đồng, tương đương với vài tấn thóc. Chăn nuôi gà chín cựa này nhàn hơn và có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Và việc này càng có ý nghĩa hơn với người dân nằm trong “vùng lõi” của vườn rừng quốc gia vì diện tích đất gieo trồng không có nhiều. Nuôi gà chín cựa tạo nguồn thu và hạn chế cả việc người dân phá rừng.
Bản Cỏi nằm bên cạnh dòng suối Hang với 77 hộ người Dao sinh sống cũng đã có rất nhiều hộ gia đình chuyển hướng làm kinh tế bằng việc nuôi giống gà quý này. Ông Đặng Văn Phúc - Trưởng bản Cỏi cho biết: Trước, mỗi nhà chỉ có đám ruộng rộng bằng gian nhà bên suối Hang, cắm cây lúa xuống ngồi ngóng đến lúc tuốt bông, năm được năm mất. Hiện nay giống gà được nhiều người biết, có giá để người Dao mình trông vào. Như nhà ông Phúc, nhà Bàn Văn Hùng, Đặng Thế Toàn, Triệu Văn Khoa, Bàn Văn Thiều… đã tập chung nuôi giống gà này. Mỗi năm đã đem lại thu nhập khá lý tưởng cho người dân nơi đây.
Hiện nay, với nhiều chương trình hỗ trợ người dân Xuân Sơn đang có thêm cơ hội nhân đàn, tăng số lượng về giống. Đây cũng là hy vọng để phát triển kinh tế với một vùng đất mà lâu nay đói nghèo bủa vây người dân.