'Thời cơ vàng' cho lao động có tay nghề kỹ thuật

Trung Hậu 01/10/2023 15:00

Đây là chia sẻ của ông TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTBXH khi đến dự Lễ khai giảng và trao bằng tốt nghiệp năm 2023 tại trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn (Bộ LĐTBXH) tại TP HCM vào sáng nay 30/9.

Đến dự lễ Khai giảng còn có TS Nguyễn Thị Thu Dung, Đại biểu Quốc hội khoá XV; TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH); đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND TP HCM, Văn phòng UBND TP HCM và Sở LĐTBXH TP HCM.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTBXH phát biểu tại lễ khai giảng (Ảnh: Hồng Phúc).

Để giải quyết bài toán "thừa thầy thiếu thợ" và chuẩn bị nguồn lực có tay nghề kỹ thuật cho nền kinh tế đất nước, ngày 4/5/2023 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 21 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, yêu cầu các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm 9 nhiệm vụ giải pháp trong đó yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTBXH nhấn mạnh, trước sự quan tâm trực tiếp của nhiều doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường nghề, trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn nói riêng và các trường đào tạo nghề hiện nay do Bộ LĐTBXH quản lý cần nắm bắt cơ hội "vàng" để nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Dù vậy, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, các trường nghề nói chung cũng cần chủ động để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như thị trường lao động trong xu hướng hội nhập.

Theo TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, để đảm bảo chất lượng "đầu vào" và "đầu ra", tức việc làm cho sinh viên trường nghề khi ra trường, hiện nay trường này đã xây dựng được “Quỹ tín dụng sinh viên Đại Việt” với nguồn vốn hiện nay đã tăng lên 15 tỷ đồng.

"Nguồn quỹ này sẽ luôn đồng hành và chắp những đôi cánh cho những sinh viên có hoàn cảnh còn khó khăn để kịp thời hỗ trợ các em vay vốn học tập trong suốt thời gian học tại trường, không để sinh viên nào bị ngừng học vì lý do không có tiền đóng học phí”, TS Lê Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện lãnh đạo trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, với sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp, trường tiếp tục tạo nhiều cơ hội cho sinh viên thể hiện năng lực và thu nhập cao sau khi tốt nghiệp, trong đó hỗ trợ, giải quyết, giới thiệu việc làm cho sinh viên từ năm 2 và sau khi tốt nghiệp. Đáng chú ý, hiện nay trường này đã phối hợp với hơn 200 công ty, doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề mà trường có đào tạo như Công ty sản xuất ô tô, Ngân hàng, Bệnh viện, Trường học và nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

Sinh viên các trường nghề tìm hiểu cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm công nghệ cao lần thứ nhất năm 2023. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngoài vai trò đào tạo "đầu vào" để phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật, hiện nay TP HCM chú trọng vào các lĩnh vực cần nhân lực chất lượng cao, trong đó có Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2025. Đề án này đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với 8 ngành mũi nhọn, bao gồm CNTT - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị.

Trước lễ khai giảng năm học mới của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, ngày 16/9 tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các Trường Đại học trên địa bàn TP HCM đã nhấn mạnh, TP HCM đang đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học chủ trì thiết kế, xây dựng 9 đề án thành phần, tương ứng với 8 ngành đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và một đề án đại học chia sẻ.

Với đề án đào tạo nhân lực 8 ngành có trình độ quốc tế và đề án xây dựng TP HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực và quốc tế, TP HCM sẽ tạo hành lang cơ chế tốt nhất, kèm theo cơ chế đặt hàng, và coi đây là 2 nhiệm vụ cấp bách của TP HCM đến năm 2025./

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Thời cơ vàng' cho lao động có tay nghề kỹ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO