Thời điểm vàng để định vị hạt gạo

Quốc Trung - H.Hương 16/08/2023 07:24

Giá gạo trên thị trường thế giới liên tiếp lập đỉnh. Giá gạo trong nước cũng tăng mạnh. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là thời cơ “vàng” để định vị cho hạt gạo Việt. Nếu tận dụng hiệu quả, không những mở rộng được thị phần gạo của Việt Nam trên các thị trường mà còn tạo đà tăng trưởng xuất khẩu lúa gạo; giúp nông dân làm giàu từ hạt gạo.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ

Ngày 15/8, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Chỉ thị của Bộ Công thương được ban hành trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới cấm xuất khẩu gạo, giá gạo trên thế giới liên tục tăng. Chính phủ yêu cầu vừa mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, vừa phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo lực lượng QLTT tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.

Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với đơn vị khác theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới; chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả; tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo để củng cố, mở rộng thị trường.

Xuất hiện tình trạng doanh nghiệp ép giá

Việc giá lúa gạo liên tục tăng khiến nông dân rất phấn khởi. Ông Dương Văn Siêu - Phó Giám đốc HTX Thuận Thắng (xã Đông Thuận, Thới Lai, Cần Thơ) cho biết, thời gian qua giá lúa gạo tăng nông dân rất mừng, những chính sách về sản xuất và giá cả đang khiến cho người dân trồng lúa khấm khá dần lên. Hiện các nơi giá lúa tăng lên gần 8.000 đồng/kg.

“Tuy nhiên khu vực huyện Thới Lai của TP Cần Thơ thương lái đang ép giá chỉ còn 7.600 đồng/kg, chúng tôi rất phân vân không hiểu sao lại như vậy. Hỏi thương lái không trả lời, họ còn không muốn mua nữa. Thời gian qua các thành viên trong HTX rất muốn bán cho doanh nghiệp (DN) nhưng họ không thể vào tận ruộng để thu gom lúa nên phải thông qua thương lái. Trong khi thương lái tìm mọi cách để ép giá nông dân. Nhà nước và DN cần tính toán phương án làm sao hợp tác giữa nông dân với DN ít phải thông qua thương lái, như vậy giá cả mới ổn định, chúng tôi mới yên tâm sản xuất”- ông Siêu nói.

Thực tế, thời gian qua, để đảm bảo đầu ra ổn định hạt gạo cho hạt gạo, TP Cần Thơ cùng nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp xây dựng, phát triển cánh đồng lớn và các mô hình cánh đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại TP Cần Thơ đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết về tình hình xuất khẩu lúa gạo thời gian qua, TS Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết: Rõ ràng tình hình chung thời gian qua đang là cơ hội xuất khẩu gạo với giá cao. Tuy nhiên đây không phải là hiện tượng mới mà đã diễn ra nhiều năm qua, cụ thể năm 2000 và năm 2022 khi mà Ấn Độ cũng ra quyết định tương tự và áp thuế xuất 20% cho loại gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng làm tăng giá lên. Như vậy là cơ hội để gia tăng cả lượng và giá đều đã có, chúng ta muốn tận dụng được thời cơ phải có năng lực, sự linh hoạt trong chính sách điều hành xuất khẩu vì thời cơ không thể kéo dài mãi, cung cầu sẽ thay đổi” - ông Hiệp nói.

Thực tế những năm gần đây, chúng ta đã rất chú ý đến chất lượng hạt gạo. Bà con nông dân cũng chú trọng hơn đến việc trồng các giống lúa chất lượng cao và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ngày càng có nhiều HTX trên địa bàn các tỉnh miền Tây ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra những hạt gạo sạch theo tiêu chuẩn châu Âu.

Rồi Gạo ST24 và ST25 có chất lượng nhất nhì thế giới, được tiêu thụ rất nhiều, giá ở mức rất tốt và doanh nghiệp ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới. Nhờ sản xuất hiện đại, đồng bộ hóa từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, hạt gạo từ giống lúa OM18 ngày càng được nâng về chất lượng, dễ dàng vượt qua các “hàng rào” chất lượng của thị trường châu Âu.

Gạo hàng hóa rất dồi dào.

Giải quyết hài hòa lợi nhuận

Bài toán đặt ra ở đây là cần đảm bảo cung - cầu ngay trong nước và đủ nguồn để xuất khẩu, ngay cả trong điều kiện bình thường và đột biến thị trường như hiện nay. Trong chiến lược phát triển đã xác định rõ xây dựng nền nông nghiệp sinh thái “nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, ngành lúa gạo phải tiếp cận theo hướng đó. Bước chuyển này cần phải được tiếp sức mạnh mẽ hơn, cần có các chính sách thiết thực hơn.

Nhìn từ hiện trạng vùng ĐBSCL - nơi chiếm hơn 50% sản lượng lúa hàng năm, việc tiếp cận, xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu ha cũng mới chỉ là bước khởi đầu, phải làm sao biến nơi đây thành vùng nguyên liệu ổn định, vững chắc với sự liên kết giữa những tác nhân, trong đó nhà nước với vai trò hỗ trợ nền tảng để xây dựng được 3 mối quan hệ. Một là lấy DN làm hạt nhân. Hai là xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nông thôn. Thứ ba đó là sản xuất lúa gạo phải luôn bắt nhịp với thị trường.

Lo lắng về sự đứt gãy mối liên kết giữa nông dân với DN, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng: Mỗi khi xảy ra biến động giá cả thị trường, đặc biệt là xuất hiện tình trạng bẻ kèo, có lúc DN buộc phải buông hợp đồng đặt cọc. Thực tế thì thời gian qua việc “bẻ kèo” chủ yếu xảy ra giữa thương lái với nông dân, không phải là DN. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này phải chú ý tới việc xây dựng vùng nguyên liệu, chừng nào còn mua trôi nổi thì chừng đó còn diễn ra tình trạng bẻ kèo.

Còn theo GS Võ Tòng Xuân, đã đến lúc người nông dân phải bán lúa ở mức giá cao hơn chứ không chấp nhận bán theo giá cũ. Cần bỏ cách làm cũ lâu nay là mạnh ai nấy làm, nông dân tự lo sản xuất, còn DN thì ngồi chờ thương lái gom hàng, làm như vậy dễ xảy ra tình trạng bẻ kèo. Phải chuyển sang mô hình liên kết, sản xuất theo đơn đặt hàng. Phía DN cần hợp tác xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, nông dân phải tham gia vào các HTX, tổ hợp tác liên kết với DN chứ không làm ăn với thương lái như trước nữa.

Chia sẻ thêm về mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN, GS Xuân cho rằng tới đây mỗi ngành sản xuất phải theo chuỗi giá trị căn cứ trên hợp đồng. Chuỗi giá trị sản xuất gạo sẽ được bên cung cấp (hợp tác xã nông nghiệp) và bên tiêu thụ (DN phân phối gạo) ký kết. Mỗi bên cần tôn trọng chữ tín. Hơn nữa DN cần biết chia sẻ lợi nhuận với nông dân để đôi bên cùng có lợi.

“Tôi đã gợi ý DN và người nông dân cần suy nghĩ đến những hợp đồng dài hạn, xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa bền vững và đặt chữ tín lên trên hết. Làm ăn kinh tế muốn bền lâu phải trọng chữ tín.” - GS Võ Tòng Xuân nói.

TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, ngành lúa gạo của Việt Nam đã có bước chuyển mới, được thể hiện trên các góc độ. Trước đó một thời gian dài chúng ta nặng yếu tố sản lượng, nặng về sản xuất và khai thác tài nguyên chủ yếu dựa vào điều kiện vốn có về tài nguyên nước, đất đai, thổ nhưỡng... Tuy nhiên giờ chúng ta đang chuyển tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nếu trước đây hạt gạo in đậm dấu ấn của nông nghiệp truyền thống thì bây giờ đang chuyển sang bước mới về giá trị mặt kinh tế, được lồng ghép vào đó những tri thức, bằng cách ứng dụng công nghệ từ khâu giống, canh tác đến chế biến. Đó là bước chuyển hết sức quan trọng. Như vậy phát triển từ cách tiếp cận từ sản lượng là chủ yếu sang chất lượng và giá trị, từ sản xuất sang kinh tế, tiến tới lợi nhuận. Bước chuyển thứ 2 là hệ thống canh tác, chế biến ứng dụng công nghệ, thứ 3 là chuyển sang bước tiếp cận thị trường trọng cầu hơn là trọng cung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời điểm vàng để định vị hạt gạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO