Văn hóa

Thời ... thích hóng

Hà Thư 01/04/2025 10:00

Trong những ngày qua, sự kiện livestream giữa streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng), rapper Pháo (Nguyễn Diệu Huyền) và hotgirl Ngọc Kem đã thu hút hàng triệu lượt xem, làm dấy lên nhiều tranh cãi về văn hóa giải trí của giới trẻ hiện nay.

Đây không chỉ là hiện tượng giải trí, mà còn là lời cảnh tỉnh về lối sống có xu hướng lệch chuẩn, khi mà những "drama" cá nhân trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn hơn cả những câu chuyện có giá trị xã hội thực sự. Liệu chúng ta có đang đánh mất những giá trị văn hóa quan trọng khi để những nội dung này chiếm lĩnh tâm trí giới trẻ?

bai duoi 1
Hóng "drama" là xu hướng đáng báo động ở một bộ phận công chúng hiện nay. Ảnh: A.I

Với hơn 4 triệu lượt xem, trong đó phần lớn là giới trẻ. Một con số không hề nhỏ, phản ánh sự hấp dẫn của các "drama" đời tư giữa các nhân vật có chút tiếng tăm. Đêm hôm đó, hàng triệu người, trong đó phần lớn là thanh thiếu niên, đã thức trắng đêm để "hóng chuyện". Câu chuyện giữa ViruSs và Ngọc Kem, cộng thêm phần tranh cãi với rapper Pháo, nhanh chóng trở thành tâm điểm của dư luận. Cái gọi là "drama" này không chỉ đơn thuần là một cuộc đối chất công khai mà còn là một chiến dịch truyền thông "bẩn" được dàn dựng để thu hút sự chú ý và kiếm tiền từ chính sự tò mò của người xem.

Những người tham gia vào livestream không chỉ dành hàng giờ để theo dõi mà còn sẵn sàng chi tiền để gửi quà tặng cho các nhân vật nổi tiếng. Đây là một phần trong chiến lược kiếm tiền từ sự hiếu kỳ và “thích hóng chuyện” của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Việc này đã tạo nên một vòng luẩn quẩn, khi mà người xem không chỉ được cung cấp một món ăn tinh thần giải trí dễ dãi mà còn trực tiếp góp phần vào việc gia tăng sự nổi tiếng và lợi nhuận cho các nhân vật trong drama.

MC Lê Anh đã có một nhận xét sắc bén về xu hướng này. Anh so sánh rằng, trong khi giới trẻ ở các quốc gia phát triển đang bàn luận về những vấn đề mang tính học thuật, xã hội, như nghiên cứu AI, chính sách nhập cư hay biến đổi khí hậu, thì tại Việt Nam, hàng triệu người trẻ lại "hào hứng" theo dõi những cuộc đối chất tình ái của các ngôi sao. Anh lo ngại rằng, nếu xu hướng này không được chấn chỉnh, thì những giá trị giáo dục, sáng tạo và phát triển tư duy phản biện sẽ ngày càng bị lu mờ.

Bên cạnh đó, sự kiện này cũng phản ánh một phần sự yếu kém trong việc kiểm soát nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Nghị định 147/2024/NĐ-CP yêu cầu các nền tảng livestream phải có giấy phép và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về việc cung cấp nội dung có phát sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, sự việc liên quan đến ViruSs và Pháo đã chỉ ra rằng, nhiều nền tảng chưa thực sự tuân thủ đúng các quy định này, dẫn đến việc phát tán các nội dung không phù hợp mà không bị xử lý kịp thời.

Không thể phủ nhận rằng các "drama" này thu hút lượng người xem khổng lồ, và đó là điều dễ hiểu khi mà con người luôn có xu hướng tò mò về cuộc sống cá nhân của những người nổi tiếng. Tuy nhiên, khi mà những "drama" này dần thay thế những nội dung có giá trị giáo dục, sáng tạo và xây dựng, chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi liệu xã hội đang phát triển theo hướng nào? Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, khi họ có thể dành hàng giờ để theo dõi những cuộc tranh cãi, nhưng lại bỏ qua những vấn đề lớn hơn về xã hội và nhân loại.

Sự việc này cũng chỉ ra một điểm mấu chốt: trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội trong việc giám sát nội dung và bảo vệ cộng đồng người dùng, đặc biệt là giới trẻ, khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ các nội dung không phù hợp. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ các cơ quan chức năng, việc lạm dụng truyền thông “bẩn” sẽ ngày càng trở nên phổ biến và tạo ra những hệ lụy khó lường đối với xã hội.

Cuối cùng, không thể không đặt ra câu hỏi về vai trò của mỗi người trong việc “tiêu thụ” nội dung trên mạng xã hội. Giới trẻ cần phải được giáo dục để có thể lựa chọn những nguồn thông tin đáng tin cậy, có giá trị, thay vì chạy theo những "drama" vô bổ, gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức và lối sống của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời ... thích hóng