Xã hội

Thời tiết ngày 1/3: Bắc Bộ rét đậm, vùng núi có nơi dưới 5 độ C

K.Huyền 01/03/2024 06:53

Rét buốt gia tăng khi tình trạng mưa nhỏ tái diễn. Mức nhiệt thấp nhất 11-13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C. Đợt rét này được dự báo kéo dài đến ngày 2/3.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 1/3, không khí lạnh tăng cường lấn sâu vào đất liền, bao trùm toàn bộ khu vực Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.

Khu vực Đông Bắc Bộ và các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất 10-13 độ C, thấp hơn 2-3 độ C so với một ngày trước. Vùng núi phía bắc 7-10 độ C, khu vực núi cao có nơi dưới 5 độ C. Rét buốt gia tăng khi tình trạng mưa nhỏ tái diễn.

Cơ quan khí tượng cảnh báo rét đậm, rét hại có khả năng ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Đợt rét này được dự báo kéo dài đến ngày 2/3. Sau đó, khu vực ấm lên nhanh vào đầu tuần tới.

Trong các ngày 1-3/3, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa cũng có khả năng ghi nhận mưa, mưa rào rải rác và dông. Người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trên biển, vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng cao 2-3m. Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.

Từ ngày 1/3, vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng cao 2-4m, biển động mạnh.

Vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Sóng cao 2-3m, biển động. Từ chiều tối 1/3, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7.

Dự báo chi tiết các khu vực:

Phía Tây Bắc Bộ: Mưa nhỏ. Trời rét đậm, có nơi rét hại, riêng Tây Bắc trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 12-15 độ C, có nơi dưới 12 độ C; cao nhất 16-19 độ C, riêng Điện Biên và Lai Châu 22-25 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ: Mưa nhỏ, gió đông bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Trời rét đậm, có nơi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất 11-13 độ C, vùng núi 8-10 độ C, khu vực núi cao có nơi dưới 5 độ C; cao nhất 13-16 độ C.

Thủ đô Hà Nội: Mưa nhỏ, rét đậm. Gió đông bắc cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 11-13 độ C, cao nhất 14-16 độ C.

Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế: Phía bắc mưa nhỏ, trời rét; phía nam mưa rào rải rác. Gió bắc đến tây bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất phía bắc 14-16 độ C, phía nam 17-20 độ C; cao nhất phía bắc 16-19 độ C, phía nam 20-23 độ C.

Đà Nẵng đến Bình Thuận: Mưa rào và có nơi có dông. Riêng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nắng. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C; cao nhất 28-31 độ C.

Tây Nguyên: Ngày nắng, chiều tối và đêm mưa rào vài nơi. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, cao nhất 29-32 độ C.

Nam Bộ: Ngày nắng, riêng Đông Nam Bộ có nơi nắng nóng. Chiều tối và đêm mưa rào vài nơi. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 31-34 độ C, miền Đông 35-36 độ C.

Những căn bệnh dễ mắc vào mùa đông và cách phòng tránh

Trời rét, cộng với sự thay đổi bất thường của khí hậu là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Các bệnh thường gặp như: cảm cúm, viêm họng, đau khớp, tim mạch, tay chân tê cóng, viêm phổi… đặc biệt bệnh thường gặp ở người già và trẻ em, do sức đề kháng kém. Do đó việc phòng bệnh khi trời lạnh là rất cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe.

xh-tt-ret-dam656-1-.jpg
Ảnh minh họa.

1. Bệnh cảm cúm

Cúm là căn bệnh nhiều người gặp phải, nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém và người già, người bị tiểu đường, thận. Khi bị cảm cúm cần giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết thay đổi; nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể; đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng; đồng thời ăn các thức ăn, thực phẩm giàu protein như trứng gà, các chế phẩm từ đậu.

2. Bệnh viêm họng

Viêm họng là căn bệnh phổ biến vào mùa đông và hầu hết bị gây ra do nhiễm virus; sự thay đổi nhiệt độ cũng có thể gây ra viêm họng. Khi bị viêm họng, nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, súc miệng bằng nước muối ấm; không nên ăn đồ lạnh. Chú ý giữ ấm cho cơ thể; tăng cường dinh dưỡng và vitamin.

3. Bệnh đau nhức khớp tay, chân

Bệnh viêm khớp có nguyên nhân do các đầu mối xương khớp bị tổn thương dẫn đến các cơn đau nhức khi thời tiết trở lạnh, nhất là đối với người già. Cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý, đảm bảo cơ thể đầy đủ sức khỏe để đối phó với sự thay đổi của thời tiết, nhất là thời tiết lạnh cũng là một cách để bảo vệ bệnh viêm khớp không bị tái phát. Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày sẽ tốt cho sức khỏe và các khớp.

4. Tê cóng tay, chân

Vùng trên cơ thể dễ bị tê cóng, nhất là khi tiếp xúc với không khí lạnh là mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân. Khi bị tê cóng, da và các mô tế bào dưới da dễ bị tổn hại. Khi bị tê cóng, không nên chà xát vào vùng bị tê bởi như thế sẽ làm tăng mức độ tổn hại. Thay vào đó, nên ngâm vùng bị tê vào nước ở nhiệt độ thường. Cách phòng tránh tê cóng tốt nhất vẫn là mặc đủ ấm khi ra ngoài trời lạnh.

5. Viêm mũi – xoang

Là tình trạng niêm mạc mũi xoang bị viêm, phù nề và xuất tiết nhiều dịch nhầy. Biểu hiện của bệnh thường gây ngứa và chảy nước mũi nhiều, có thể sốt hoặc không. Khi có triệu chứng của bệnh bạn cần: Ăn uống đủ chất, uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây, cân bằng, nghỉ ngơi, tập luyện điều độ để cơ thể khảo mạnh và có một sức đề kháng tốt giúp cơ thể chống lại các viêm nhiễm và phục hồi nhanh chóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời tiết ngày 1/3: Bắc Bộ rét đậm, vùng núi có nơi dưới 5 độ C