Thông thoáng lòng đường

Bắc Phong 21/12/2022 08:16

Ngày 19/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và lễ hội đầu xuân. Thủ tướng chỉ đạo phải khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và trả lại lòng đường cho nhân dân đi lại 1 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Thủ tướng chỉ đạo phải có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời giải tỏa không để phát sinh ùn tắc kéo dài khi có sự cố về giao thông, nhất là trong thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội và TPHCM; các tuyến kết nối đến nhà ga, sân bay, bến cảng và khu vực tổ chức lễ hội xuân... Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương công bố và phân công người có thẩm quyền trực số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông.

Lâu nay, cứ gần cuối năm, không chỉ vỉa hè mà cả lòng đường nhiều thành phố cũng bị đào xới, sửa chữa, nâng cấp. Cuối năm, người và phương tiện tham gia giao thông rất đông, trong khi lòng đường lại nham nhở, bị thu hẹp, “thắt nút” dẫn đến ách tắc. Nhiều “lô cốt” và cả “giao thông hào” mọc lên ngay trong lòng đường.

Vì sao lại như vậy? Nhiều người cho rằng sở dĩ cứ đến cuối năm, giáp Tết đường sá lại bị đào bới là do… giải ngân, phải vẽ ra việc làm để có con số đẹp khi kết thúc năm tài khóa. Mà vỉa hè, lòng đường là của chung nên ai muốn làm gì thì làm, nhất là lại với danh nghĩa sửa đường cho đẹp hơn.

Mới đây có chuyện ở thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), người dân rất bức xúc việc lòng đường bị lấn chiếm, phản ánh đến chính quyền nhưng một vị Phó Chủ tịch phường lại nói lòng đường là của chung (!). Thật là “quan điểm lạ” và cũng chính vì thế nên người ta công nhiên lấn chiếm lòng đường để buôn bán, và cũng để đào bới với cái cớ sửa chữa.

Cách đặt vấn đề như vậy là thiếu trách nhiệm trước dân, trước quyền lợi của cộng đồng.

Hy vọng đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ.

Năm nay Tết đến sớm, lễ hội Xuân kéo dài nên việc an toàn, thông suốt cho người tham gia giao thông là việc rất cần thiết. Năm nào cũng vậy, dịp này lãnh đạo UBND Hà Nội, TPHCM lại đôn đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ tất cả công trường đang thi công trên địa bàn thành phố; thu dọn gọn gàng và vệ sinh công trường; xử phạt mọi cá nhân, đơn vị không thực hiện đúng quy định về đào đường, tái lập mặt bằng. Cùng đó là kiên quyết không cấp phép thi công mới cho các công trình có rào chắn.

Nhưng thực tế không được như vậy. Việc đào bới đường, lát vỉa hè vẫn cứ diễn ra cho tới giáp Tết mới chịu thôi.

Năm nay, tình hình hy vọng sẽ khác. Tại TPHCM, sau gần 6 năm bị rào chắn thi công tuyến metro số 1 án ngữ, lô cốt tại tuyến đường Lê Lợi đã được tháo dỡ, mặt đường được trải nhựa mới, không gian thoáng đãng, rộng rãi hơn rất nhiều. Tiếp đó, phần rào chắn cuối cùng phục vụ thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) tại khu vực trung tâm TPHCM cũng được tháo dỡ khiến cho khu vực chợ Bến Thành - vòng xoay Quách Thị Trang… khác hẳn. Xa trung tâm hơn, dãy rào chắn thi công dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2, trên đường Bến Vân Đồn (Q.4) án ngữ gần 6 năm dọc bờ kênh Tàu Hủ cũng đã “biến mất”. Loạt “hố tử thần” trên đường số 1 (phường Tân Phong, Q.7) đã được san lấp. Khu vực đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) cũng đã bỏ lô cốt sửa chữa chiếm hết mặt đường…

Phấn khởi nhưng cũng tại TPHCM, theo Sở Giao thông vận tải trên địa bàn vẫn có 79 vị trí rào chắn, chủ yếu để phục vụ các dự án giao thông cầu, đường, các công trình lắp đặt, ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông… được thi công từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Trở lại với công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ 1 tuần trước Tết phải dừng thi công đường sá, trả lại lòng đường cho người tham gia giao thông. Người dân cần chủ động giám sát, phản ánh nếu vẫn còn hiện tượng cố tình làm trái, tiếp tục đào bới đường, vỉa hè. Đặc biệt, chính quyền cơ sở phải nâng cao trách nhiệm, kiên quyết buộc đơn vị thi công phải dừng lại, dọn dẹp sạch, chứ không thể coi “lòng đường là của chung” ai muốn làm gì thì làm như một vị phó chủ tịch phường nọ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông thoáng lòng đường