Bộ GTVT vừa phát đi thông cáo về việc đưa vào khai thác tạm thời một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 từ ngày 1/9.
Tạo trục cao tốc xuyên suốt từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Nghệ An với tổng chiều dài 251km
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trong thời gian vừa qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp, đơn vị tư vấn đã nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn để sớm đưa các dự án thành phần vào khai thác.
Theo đó, ngày 1/9/2023, Bộ GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đưa vào khai thác tạm thời đối với phân đoạn từ nút giao Đông Xuân đến cuối tuyến (dài 9,7km) của dự án thành phần đầu tư xây dựng (ĐTXD) đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (QL45), dự án thành phần ĐTXD đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, tạo trục cao tốc xuyên suốt từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Nghệ An với tổng chiều dài 251km.
"Để đưa các dự án vào phục vụ người dân là nỗ lực rất lớn của các chủ đầu tư, nhà thầu trong bối cảnh thời điểm khởi công đúng vào cao điểm bùng phát đại dịch Covid-19, việc huy động nhân lực, vật liệu, thiết bị triển khai giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn; nguồn cung ứng vật liệu chưa đáp ứng tiến độ thi công ở giai đoạn đầu triển khai; ảnh hưởng của xung đột tại Đông Âu khiến giá nhiên, nguyên, vật liệu biến động lớn, vượt ngoài khả năng dự báo; thời tiết bất thường, mùa mưa đến sớm hơn mọi năm", Bộ GTVT nhấn mạnh.
Mặt khác, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự ra đời kịp thời của Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 cho phép về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án, sự vào cuộc đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, các khó khăn của dự án từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho nhà thầu bứt tốc thi công.
Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, lãnh đạo ngành GTVT, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ GTVT đã thường xuyên đến công trường dự án đôn đốc nhà thầu tăng cường “3 ca, 4 kíp”, tuyệt đối không lùi thời gian hoàn thành nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân lưu thông thuận lợi, an toàn trong dịp cao điểm Quốc khánh 2-9.
Xe tải trên 10 tấn chưa được phép lưu thông
Bộ GTVT đề nghị, trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2023, UBND các tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức giao thông, hướng dẫn, phân luồng giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, theo dõi và chấp hành nghiêm mọi hướng dẫn, chỉ dẫn, điều tiết của lực lượng chức năng để đảm bảo lưu thông an toàn, tránh ùn tắc giao thông.
Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt Phương án tổ chức giao thông 2 tuyến cao tốc từ ngày 1/9/2023.
Theo đó, đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô con, ô tô khách, ô tô tải từ 10 tấn trở xuống. Các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ô tô cao tốc gồm: xe tải trên 10 tấn, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ từ 70km/h trở xuống, xe thô sơ, người đi bộ.
Người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc.
Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm được Chính phủ quy định trong Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Người lái xe tham gia giao thông trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các quy tắc tham gia an toàn theo quy định pháp luật hiện hành (không cho xe chạy vào nơi dừng đỗ khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường; người lái xe trên đường cao tốc khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe khẩn cấp người lái xe phải đưa xe ra làn dừng xe khẩn cấp đặt các vật báo hiệu và thông báo đường dây nóng hỗ trợ...)
Các phương tiện đầy đủ các điều kiện lưu thông trên đường bộ được phép lưu thông trên đường cao tốc được tham gia giao thông trên tuyến cao tốc với tốc độ tối đa 80 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h.
Đối với các phương tiện khai thác tuyến đường từ đầu dự án nghi Sơn - Diễn Châu tại Km380+00 (điểm cuối dự án QL45 - Nghi Sơn) đến nút giao Diễn Cát cuối dự án (Km429+715), trong điều kiện đoạn cao tốc kế tiếp sau dự án là Diễn Châu - Bãi Vọt chưa thông xe, trước mặt phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau: Theo hướng Bắc - Nam, các phương tiện từ dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn nhập vào dự án Nghi Sơn - Diễn Châu đến nút giao Diễn Cát (cuối tuyến) kết nối với Quốc lộ 1 thông qua Quốc lộ 7.
Trong thời gian các dự án được đưa vào khai thác tạm, Bộ GTVT đề nghị các địa phương phối hợp với chủ đầu tư, các lực lượng chức năng kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các trường hợp phương tiện thô sơ di chuyển trên cao tốc, đối diện nguy cơ mất an toàn.
Bộ cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu nhanh chóng hoàn thiện, sớm đưa vào khai thác các hạng mục còn lại như đường gom dân sinh, hệ thống thoát nước, đảm bảo thuận lợi trong quá trình khai thác đồng bộ dự án.
Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình (chiều dài khoảng 14,35 km; tỉnh Thanh Hóa (chiều dài khoảng 49,02 km). Trong đó, có 05 nút giao, gồm: Nút giao với tỉnh lộ 477 (thuộc địa phận huyện Yên Mô, Ninh Bình); Nút giao với đường trục Đồng Giao (tại TP.Tam Điệp, Ninh Bình); Nút giao với QL217B (thuộc địa phận xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hoá); Nút giao với QL217 (thuộc địa phận xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) và nút giao Đông Xuân (xã Đông Xuân, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).
Điểm đầu (Km274+111,86) tại nút giao Mai Sơn kết nối với Đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối (Km337+478,11 trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án đã được Bộ GTVT tổ chức đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023 đối với đoạn tuyến từ đầu dự án đến Km327+780 (hết nút giao Đông Xuân) với chiều dài 53,67 km. Tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng.
Dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn
Dự án có chiều dài tuyến 43,28 km. Trong đó: có 02 nút giao liên thông gồm: nút giao Vạn Thiện - Km351+320 kết nối với QL45 và đường Nghi Sơn - Thọ Xuân; Nút giao Nghi Sơn - Km379+500 kết nối với Hồ Chí Minh đoạn Nghi Sơn - Bãi Trành và đường vào nhà máy xi măng Công Thanh.
Điểm đầu tại Km337+000 trùng với điểm cuối Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, thuộc địa phận xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Điểm cuối tại Km380+000 trùng với điểm đầu Dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, thuộc địa phận xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.
Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu
Dự án có chiều dài tuyến 50km. Trong đó, có 03 nút giao liên thông gồm: Nút giao Quỳnh Vinh - Km389+970 kết nối với QL48D; Nút giao Quỳnh Mỹ - Km405+689 kết nối với QL48B; Nút giao Diễn Cát - Km429+715 kết nối với QL7 (cách điểm cuối tuyến khoảng 300m).
Điểm dầu dự án tại Km380+000 trùng với điểm cuối dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn, thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Điểm cuối tại Km430+00 trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt), thuộc địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 7.293 tỷ đồng.