Phát biểu tại Hội thảo về kinh nghiệm xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn diễn ra vào sáng 10/6 tại Tuyên Quang, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài tin tưởng, việc xây dựng mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn ở khu dân cư sẽ tạo thành phong trào rộng khắp trên cả nước trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định, với tinh thần làm việc nghiêm túc, các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng mô hình điểm thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn; những khó khăn, tồn tại ở địa phương, đưa ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhất là trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài ghi nhận và đánh giá cao các tham luận đã chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo của các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng thời khẳng định các ý kiến đề xuất các giải pháp của các đại biểu, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu đầy đủ để cụ thể hóa và phối hợp triển khai trong năm 2022 và thời gian tới.
Nhấn mạnh hiện nay vấn đề xử lý rác thải của các địa phương là một vấn đề còn rất nóng, rất khó, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho rằng, trong lúc chờ có nhà máy, công nghệ xử lý rác hiện đại, triệt để, chúng ta phải hành động ngay và không thể chờ đợi.
“Không thể chờ thêm 5 đến 10 năm nữa để có một quy trình trọng vẹn đầy đủ khép kín mà ngay từ hôm nay chúng ta phải hành động để góp phần giảm thiểu lượng rác thải phải chôn lấp, lượng rác thải xả ra môi trường”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, để triển khai xây dựng điểm và nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, đạt kết quả thực chất và bền vững hơn nữa, tới đây Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát, đánh giá và xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại và xử lý rác thải chung của cả nước với những nội dung và tiêu chí cụ thể.
Tiến tới xây dựng và ban hành Đề án xây dựng điểm và nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, đồng thời có hướng dẫn cụ thể triển khai trong phạm vi toàn quốc.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị, việc tổ chức xây dựng mô hình cần phải nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đầy đủ tình hình, thực trạng công tác bảo vệ môi trường về nhận thức và hành vi của người dân; điều kiện kinh tế, xã hội; về sản xuất, kinh doanh; phong tục, tập quán, thói quen hằng ngày của cá nhân và hộ gia đình ở cộng đồng dân cư ở các vùng miền khác nhau làm cơ sở xây dựng nội dung, tiêu chí và giải pháp phù hợp để xây dựng mô hình điểm đại diện cho các vùng miền trên cả nước, làm căn cứ để đánh giá mức độ thành công khi tiến hành kiểm tra, nghiệm thu mô hình.
Cùng với đó, phát huy trách nhiệm của mọi thành phần trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là vai trò của các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các vị già làng, trưởng bản, trưởng các họ tộc trong việc xây dựng mô hình.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị, ở Trung ương cần tập trung khảo sát, tổng kết để làm cơ sở xây dựng Đề án triển khai trên phạm vi toàn quốc; đồng thời mong muốn các địa phương ủng hộ cùng tham gia để Đề án có chất lượng và có tính khả thi cao.
Về phía Mặt trận cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường các cơ quan liên quan để đề xuất hoàn thiện về cơ chế chính sách và một số mô hình tổng thể liên thông khép kín để có thể áp dụng toàn quốc phù hợp với đặc thù, điều kiện của từng địa phương, từng vùng miền khác nhau.
Trong lúc chờ một Đề án mang tính tổng thể, quy mô toàn quốc theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, MTTQ các địa phương cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng Nghị quyết, Chỉ thị. Đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng để MTTQ và các đoàn thể có thể triển khai các mô hình một cách hiệu quả, thực chất và bền vững.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cũng đề nghị MTTQ địa phương cần phối hợp với chính quyền để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy các nguồn lực; có cơ chế phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức chính trị - xã hội để phân công, phân việc cụ thể, không chồng chéo và không chung chung.
“Công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu, nhận thức rằng bảo vệ môi trường là việc không thể không làm, làm cho chính mình, cho cuộc sống của mình, cho gia đình và con cháu của mình. Nếu nhân dân đồng thuận thì chắc chắn sẽ làm được”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài chia sẻ.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cũng lưu ý, MTTQ các cấp cần tiếp tục quan tâm sơ kết, tổng kết, đúc rút ra những kinh nghiệm tốt, khắc phục những bất cập hạn chế để hình thành những quy trình, cách làm bảo đảm đồng bộ, khép kín và quan trọng nhất là huy động được sức dân, sự tự nguyện tham gia của nhân dân, không chỉ trông chờ vào kinh phí, hỗ trợ từ nguồn ngân sách.
Cùng với đó cần tăng cường kiểm tra, giám sát, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các mô hình làm tốt, hiệu quả và phê bình, nhắc nhở, kể cả cấp ủy, chính quyền, MTTQ ở cơ sở nếu không tích cực thực hiện.
Với kết quả của Hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài tin tưởng, công tác xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư nói chung, đặc biệt là xây dựng mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn ở cộng đồng dân cư nói riêng sẽ tạo thành phong trào rộng khắp trên cả nước trong thời gian tới, để mỗi khu dân cư đều sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh.