Kinh tế

Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế VAT 0% với dịch vụ xuất khẩu: Cần đánh giá những tác động tổng thể

T.Hằng (Thực hiện) 25/03/2024 08:19

Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến có nội dung bỏ áp dụng thuế suất thuế VAT 0% đối với nhiều dịch vụ xuất khẩu. Theo ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, Quốc hội và Bộ Tài chính cần đánh giá tác động tổng thể và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trước khi quyết định thực hiện.

mr-tuan.jpg
Ông Bùi Ngọc Tuấn.

PV: Thưa ông, Dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất VAT 0% với dịch vụ xuất khẩu khiến nhiều DN hết sức lo lắng?

Ông Bùi Ngọc Tuấn: Về nội dung này, Quốc hội và Bộ Tài chính cần đánh giá tác động tổng thể và tham khảo kinh nghiệm và thông lệ quốc tế trước khi quyết định.

Dự thảo luật thuế VAT sửa đổi đã giới hạn phạm vi và chỉ liệt kê một số loại hình dịch vụ xuất khẩu (hưởng thuế VAT 0%) là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ vận tải quốc tế; Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế.

Việc giới hạn phạm vi nêu trên đồng thời cũng làm thay đổi chính sách quản lý thuế VAT và hải quan đối với DN nội địa cung cấp dịch vụ cho nước ngoài (bao gồm trường hợp dịch vụ gắn với hàng hóa xuất khẩu) và cung cấp cho DN chế xuất (DNCX) là khu phi thuế quan. Theo đó, thuế suất thuế VAT cho các trường hợp này tăng từ 0% đối với dịch vụ xuất khẩu thành 5%/10% như dịch vụ kinh doanh thông thường.

DN nội địa phát sinh thêm thuế VAT phải nộp đối với hoạt động cung ứng dịch vụ ra nước ngoài và/hoặc cho DNCX, đồng thời DNCX phải ghi nhận thuế VAT đầu vào phát sinh vào chi phí trong kỳ, làm tăng giá thành sản phẩm của DJN và giảm sức cạnh tranh cho cả chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Với thực tiễn đã áp dụng thuế suất thuế VAT 0% cho dịch vụ xuất khẩu nhiều năm nay, việc thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và tác động trực tiếp đến chi phí và vận hành của các DN FDI hiện nay.

anhtren.jpg
Luật Thuế Giá trị gia tăng chưa có quy định rõ ràng về việc xác định dịch vụ xuất khẩu (Trong ảnh: May 10 chuẩn bị đơn hàng xuất khẩu). Ảnh: Quang Vinh.

Lý do Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi do thời gian qua, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ tiêu dùng trong nước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Luật Thuế VAT hiện hành và các văn bản hướng dẫn quy định điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm: Có hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế VAT ở khâu nhập khẩu; hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ...

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các chứng từ nêu trên thì nhiều trường hợp cơ quan thuế cho rằng chưa đủ cơ sở để xác định hàng hóa đó có thực sự được xuất khẩu ra nước ngoài hay không. Thực tế, trong quá trình kiểm tra hoàn thuế VAT phát sinh nhiều trường hợp gian lận như: khai khống hàng hóa xuất khẩu, người mua tại nước ngoài không có thật… Trách nhiệm xác định hàng hóa có thực xuất khẩu ra nước ngoài thuộc về cơ quan hải quan, chứ không phải trách nhiệm của cơ quan thuế nội địa hoặc bên xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Luật Thuế VAT chưa có quy định rõ ràng về việc xác định dịch vụ xuất khẩu. Do dịch vụ có tính vô hình, nên rất khó xác định một số loại dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài, gây tranh cãi cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc đánh giá, chứng minh dịch vụ như thế nào được xem là “tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam”.

Nhiều trường hợp DN đã xuất hóa đơn cung cấp dịch vụ cho khách hàng với thuế suất 0% (do xác định là tiêu dùng ngoài Việt Nam) sau đó lại bị cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế cho rằng đây là dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam và thực hiện truy thu thuế VAT 10%. Việc truy thu này gây khó khăn cho bên cung cấp dịch vụ.

Từ góc độ quản lý, quy định hiện hành chưa thực sự cung cấp cơ sở cần thiết và phù hợp để thực hiện chính sách thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu. Vì vậy, cơ quan thuế và DN gặp vướng mắc trong quá trình quản lý cũng như hướng dẫn DN thực hiện áp dụng thuế VAT 0%, DN cũng gặp khó khăn khi thực hiện hoặc thêm nghĩa vụ chứng minh, giải trình, và trong một số trường hợp phát sinh thêm chi phí thuế, giảm sức cạnh tranh.

Bởi vậy, cần xem xét thận trọng để điều chỉnh quy định phù hợp tại Dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), đảm bảo hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của DN. Deloitte cũng đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kỹ tác động kinh tế của việc thu hẹp đối tượng dịch vụ được xác định là dịch vụ xuất khẩu để đảm bảo chính sách thuế VAT được sửa đổi một cách toàn diện nhưng không gây xáo trộn hoạt động đầu tư và kinh doanh của DN.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế VAT 0% với dịch vụ xuất khẩu: Cần đánh giá những tác động tổng thể