Ngày 22/2, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phan Kiều Thanh Hương và Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc - Tôn giáo Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Trung Tính chủ trì hội nghị.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Vinh Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc thu hồi đất còn phải bảo đảm sự ổn định về chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Muốn vậy, Nhà nước cần phải điều tiết, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, đây là động lực của sự phát triển, nếu giải quyết tốt lợi ích kinh tế giữa ba chủ thể này thì sẽ tạo động lực cho sự phát triển của xã hội; ngược lại, chế định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội sẽ là nguyên nhân của những đối kháng và mâu thuẫn xã hội. “Do đó, cần tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế xã hội”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Huy kiến nghị cần ban hành quy định xác định rõ những vấn đề, lĩnh vực nào là lợi ích quốc gia, công cộng ở Việt Nam và các tổ chức, cá nhân phải tôn trọng, ưu tiên những vấn đề, trường hợp đó.
Nhiều đại biểu nêu ý kiến, về những hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật cần bổ sung ủy quyền hoặc nhận ủy quyền thực hiện quyền sử dụng đất nhằm mục đích không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Theo các đại biểu, thực tế đã và đang xảy ra hành vi ủy quyền và được ủy quyền thực hiện quyền sử dụng đất với nội dung ủy quyền thực hiện đầy đủ các quyền sử dụng đất. Như vậy, Nhà nước sẽ thất thu nguồn tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ khi người dân chuyển quyền sử dụng đất nhưng “lách” sang ủy quyền thay vì phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Góp ý về đất tôn giáo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cho rằng, cần bổ sung quy định về điều kiện quy hoạch đất tôn giáo, theo quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có chỉ tiêu sử dụng đất của loại đất cơ sở tôn giáo.
Theo bà Dung, việc thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này chỉ thể hiện khi hiện trạng đã là đất cơ sở tôn giáo. Do đó, việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang đất cơ sở tôn giáo giáo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
Về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc, một số ý kiến đề nghị, cần bổ sung các quy định bảo đảm cho đồng bào dân tộc, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao, rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ.