Ngày 6/10, các cơ sở, doanh nghiệp thuê đất quốc phòng ở vành đai sân bay Đà Nẵng để sản xuất, kinh doanh vẫn hoạt động bình thường. Trước đó, vào ngày 27/9, Sư đoàn 372 thuộc quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) đã thông báo quyết định của Bộ Quốc phòng và Quân chủng PKKQ đến các địa phương liên quan và 14 chủ cơ sở, doanh nghiệp về việc chấm dứt các hợp đồng thuê đất quốc phòng vành đai sân bay Đà Nẵng. Theo quyết định, cơ sở, doanh nghiệp phải di dời hoàn trả đất quốc phòng trong thời gia
Đất quốc phòng đang được cá nhân sử dụng làm bãi giữ xe ô tô. (Ảnh Thanh Tùng).
Đất quốc phòng bị băm nát
Ngày 6/10 là thời hạn cuối cùng mà Sư đoàn 372 thông báo đến chủ cơ sở, doanh nghiệp thuê đất quốc phòng tại vành đai sân bay Đà Nẵng, buộc phải di dời, hoàn trả đất quốc phòng nhưng các cơ sở, doanh nghiệp ở đây vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy là họ sẽ dời nhà xưởng, kho bãi, máy móc, thiết bị đi nơi khác. Suốt chiều dài gần 10 cây số vành đai phía Tây sân bay Đà Nẵng dọc tuyến đường Trường Chinh của phường An Khê (quận Thanh Khê), là những khoảng tường bảo vệ vành đai sân bay bị đục phá để làm nhà xưởng, nơi tập kết vật liệu, máy móc, bãi giữ xe ô tô và quán cà phê. Hàng chục cây số vành đai phía Tây sân bay Đà Nẵng không còn nguyên vẹn mà trở nên nham nhở, nhếch nhác.
Tại cơ sở kinh doanh đá granite Thành Nhân ở địa chỉ 555 đường Trường Chinh, một phụ nữ cho biết cơ sở này “hợp tác kinh doanh” với một người tên là Sinh. Cùng địa chỉ 555 Trường Chinh là cơ sở kinh doanh đá xây dựng Hồng Thắm và sa lông ô tô Thành Nhân. Liên hệ với ông Sinh, chúng tôi được ông này thừa nhận mình là người đứng ra thuê đất quốc phòng và đang “hợp tác kinh doanh” với những cơ sở nêu trên. Số nhà 555 Trường Chinh kéo dài hàng cây số dọc bức tường rào sân bay Đà Nẵng. Từ cơ sở đá Thành Nhân, di chuyển thêm gần 1 cây số nữa, chúng tôi đến bãi giữ xe ô tô của ông Nguyễn Đình Hùng ở số 555 D.
Ông Hùng cho biết tổng diện tích đất quốc phòng mà ông thuê ở đường Trường Chinh (phường An Khê, quận Thanh Khê) và đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) từ Sư đoàn 372 là trên 30.000 m2 (đường Trường Chinh 12.000 m2, đường Nguyễn Hữu Thọ 21.000 m2). Ở đường Nguyễn Hữu Thọ ông Hùng dành 5.000 m2 làm bãi xe, 5.000 m2 khác làm sân bóng. 5.000 m2 đất quốc phòng ở đường Trường Chinh được ông Hùng dùng làm bãi giữ xe, quán cà phê và nhà xưởng, cơ sở kinh doanh. Theo lời ông Nguyễn Đình Hùng thì toàn bộ nhà xưởng, hạ tầng trên tổng diện tích đất quốc phòng ở cả 2 tuyến đường dọc vành đai sân bay Đà Nẵng là Nguyễn Hữu Thọ và Trường Chinh, là do ông bỏ vốn ra xây dựng sau đó “hợp tác kinh doanh”, ăn chia lợi nhuận với doanh nghiệp kinh doanh trên phần đất đã có hạ tầng, nhà xưởng.
Việc các cá nhân đứng ra thuê đất quốc phòng sau đó phân lô hay chia nhỏ diện tích đất mà họ thuê được dưới danh nghĩa “hợp tác kinh doanh” cho thấy một thời gian dài, diện tích rất lớn đất đai dọc vành đai phía Tây và phía Đông sân bay Đà Nẵng bị thao túng.
Không thể trì hoãn
Ngày 29/9, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, có văn bản gửi Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân (PKKQ), kiến nghị giãn thời thu hồi đất quốc phòng tại các khu vực vành đai sân bay Đà Nẵng mà Sư đoàn 372 thuộc Bộ Tư lệnh PKKQ cho doanh nghiệp thuê làm cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo văn bản do ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội này ký thì Hiệp hội ủng hộ chủ trương thu hồi đất quốc phòng, tuy nhiên, quá trình thu hồi cần có đủ thời gian để 14 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên đất quốc phòng ở sân bay Đà Nẵng sắp xếp, tổ chức di dời. Nếu di chuyển ngay thì không thể tìm được nơi tập kết, bảo quản tài sản, hàng hóa trong khi khoản nợ và lãi vay phải trả cho ngân hàng sẽ khiến doanh nghiệp phá sản.
Công văn của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh đúng những khó khăn mà doanh nghiệp đang sử dụng đất quốc phòng dọc vành đai sân bay Đà Nẵng bởi thời gian buộc phải di dời khá gấp gáp. Tuy nhiên, đấy chỉ là khó khăn đối với những doanh nghiệp thuê đất quốc phòng để xuất, kinh doanh thực sự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng diện tích đất quốc phòng mà cá nhân, chủ cơ sở, doanh nghiệp đang thuê dọc vành đai phía Tây và phía Đông sân bay Đà Nẵng lên đến hàng chục ha. Rất nhiều diện tích đất quốc phòng đã bị chuyển nhượng, sang tay dưới hình thức “hợp tác kinh doanh” vì thế nên quyết định thu hồi ngay lập tức toàn bộ diện tích đất đã cho cá nhân, doanh nghiệp thuê ở các khu vực thuộc vành đai sân bay Đà Nẵng của Bộ Quốc phòng, Quân chủng PKKQ là cần thiết.
Chủ cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng đất quốc phòng tại vành đai sân bay Đà Nẵng cũng không thể nêu lý do khó khăn để chậm bàn giao lại đất quốc phòng bởi tại hợp đồng và các văn bản được ký kết giữa Sư đoàn 372 và cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất quốc phòng vành đai sân bay Đà Nẵng đều thể hiện: “Khi gặp trường hợp bất khả kháng mà Quân chủng PKKQ, Sư đoàn 372 có nhu cầu thu hồi đất phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng hoặc trong những tình huống cấp thiết như cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, vi phạm các cam kết, quy đinh về quản lý, sử dụng đất quốc phòng; vi phạm nghiêm trọng hợp đồng thì Tư lệnh Quân chủng PKKQ hoặc Sư đoàn trưởng Sư đoàn 372 có quyền thu hồi đất vô điều kiện mà không phải bồi hoàn…”