Theo Tổng cục Thuế, lũy kế 9 tháng năm 2022, số nợ thuế thu hồi đạt 25.600 tỷ đồng, bằng 61% chỉ tiêu thu nợ cả năm.
Thông tin từ Tổng cục Thuế, trong tháng 9/2022, tổng thu ngân sách Nhà nước do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 78.200 tỷ đồng, đạt 6,7% dự toán, bằng 129,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.102.931 tỷ đồng, bằng 121,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 94/2019/QH14 đạt 2.405 tỷ đồng.
Ngành Thuế cũng tích cực thanh, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm về thuế, nhờ đó, số thu ngân sách tăng trưởng đáng kể.
Chỉ tính riêng trong tháng 9/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thu hồi nợ thuế ước đạt 2.771 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng số nợ thuế thu hồi đạt 25.600 tỷ đồng, bằng 61% chỉ tiêu thu nợ năm 2022.
Lũy kế kết quả xử lý nợ từ khi Nghị quyết số 94/2019/QH14 đến cuối tháng 9/2022 ước đạt 34.806 tỷ đồng, trong đó khoanh nợ tiền thuế là 28.164 tỷ; Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 6.642 tỷ.
Về công tác thanh tra kiểm tra thuế, tính đến hết tháng 9/2022, toàn ngành thuế đã thực hiện được 47.373 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 64,1% kế hoạch, bằng 106,6% so với cùng kỳ năm 2021; kiểm tra được 500.878 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 88,3% cùng kỳ năm 2021. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 42.917 tỷ đồng, bằng 132% cùng kỳ năm 2021.
Dự kiến trong các tháng cuối năm, toàn ngành Thuế tiếp tục rà soát những vướng mắc trong quá trình quản lý thu nợ thuế để hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Quy trình quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Đẩy mạnh điện tử hoá hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, khắc phục tồn tại, bất cập để nâng cao hiệu quả việc quản lý nợ thuế.
Cục Thuế địa phương xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế, báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở đó, báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương án chung và giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phê duyệt phương án xử lý nợ đọng thuế đối với từng Cục Thuế...