Thu hút dòng vốn ngoại

THANH GIANG 25/07/2023 06:36

TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập về chính sách làm giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra, cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm tăng tính hấp dẫn thu hút nhà đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh tập trung cho các dự án đầu tư công nghệ cao.

Thu hút đầu tư công nghệ cao

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, với vị trí đắc địa, TPHCM trở thành cửa ngõ của khu vực phía Nam, đồng thời là trung tâm trung chuyển thương mại cho cả khu vực Đông Nam Á. DN châu Âu hiện nay có xu hướng phát triển theo chuỗi giá trị. Những DN đi đầu có thể đầu tư vào hạ tầng, năng lượng,... từ đó mở đường cho các DN đầu tư sản xuất, thương mại sau này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Theo ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, những năm gần đây, thành phố là nơi các nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, từ năm 1988 đến nay, TPHCM có 11.868 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn hơn 81 tỷ USD. Trong đó Singapore đứng đầu với 14 tỷ USD, Nhật Bản 5,6 tỷ USD, Hàn Quốc 5,5 tỷ USD...

Theo lãnh đạo UBND TPHCM, thành phố đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia lên hơn 70% trong giai đoạn 2023-2025. Giai đoạn 2026-2030 tăng lên 75%. Trong đó, phấn đấu năm 2025 thu hút được trên 50 dự án công nghệ cao, tính đến nay TPHCM đã thu hút được 7 dự án công nghệ cao.

Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho rằng, thời gian qua thành phố nỗ lực cải thiện hạ tầng, giao thông, logistics... tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư hiện hữu cũng như tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới. Thành phố cần có một chính sách mang tính chiến lược, lâu dài để các nhà đầu tư cũ yên tâm mở rộng quy mô, đồng thời tạo lực hút cho nhà đầu tư mới. Hiện thành phố đang hướng tới xây dựng và hình thành nhận thức “hợp tác cùng phát triển”, tăng cường kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đảm bảo sự ổn định từ chính sách

Mặc dù được kỳ vọng sẽ thu hút mạnh vốn FDI, song nhiều ý kiến cũng chỉ ra một số điểm yếu mà TPHCM cần cải thiện nhiều hơn nữa. Theo đó, hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài vẫn chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và còn vướng mắc gây khó cho DN. Cải cách thủ tục hành chính chậm nên chưa đáp ứng được yêu cầu thu hút FDI...

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, mặc dù môi trường kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là TPHCM liên tục được cải thiện nhưng vướng mắc về thủ tục, áp dụng quy định pháp luật vẫn đang là một trong những thách thức với DN, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Sự chồng chéo không chỉ có ở các văn bản, khi thực hiện ở mỗi địa phương, mỗi đơn vị một khác. Khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, có đến 50% DN gặp khó về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% DN gặp trở ngại về quy hoạch xây dựng; hơn 40% gặp khó khăn về thủ tục thẩm định, phê duyệt...

“Khi lựa chọn điểm đến cho hoạt động đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài luôn đề cao tính minh bạch, ổn định từ cơ chế, chính sách. Vì vậy, muốn thu hút nhà đầu tư FDI cần đảm bảo sự thống nhất trong các văn bản, sự đồng bộ giữa các luật như: Luật Đầu tư, Luật Đấu Thầu, Luật Đất đai” - ông Tuấn nói.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nêu quan điểm, cần thiết triển khai diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư thường niên giúp DN nước ngoài cập nhật thông tin mới liên quan đến thủ tục cũng như quy định pháp luật. Việc này giúp các nhà đầu tư có chiến lược phát triển phù hợp tránh phát sinh những rủi ro. Thời gian tới, khi triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, TPHCM sẽ có nhiều cơ hội thu hút dòng vốn FDI cũng như tăng tốc bứt phá.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố sẽ luôn cầu thị, lắng nghe những khó khăn, tồn tại mà DN phản ánh nhằm tháo gỡ kịp thời. Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có nhiều nội dung ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố. Song song đó, thành phố sẽ xây dựng kênh thông tin chia sẻ minh bạch về các dự án để các nhà đầu tư có thể tham gia.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ và tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm. Singapore duy trì vị trí dẫn đầu với hơn 3 tỷ USD, chiếm hơn 22,3%. Theo sau là Nhật Bản với gần 2,21 tỷ USD, chiến 16,4% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,1 so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút dòng vốn ngoại