Trải qua hơn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có thể nói FDI trở thành khu vực rất quan trọng của kinh tế Việt Nam. FDI đã trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế. Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn đưa ra quan điểm rằng, thu hút đầu tư FDI ngày càng phải nâng chất hơn để đón nhận những dự án thật sự hiệu quả và có sức lan tỏa.
Giới chuyên gia nhận định, hơn 30 năm qua, khu vực doanh nghiệp (DN) FDI đã ngày càng phát triển, là nguồn lực quan trọng đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. FDI đã góp phần đưa GDP tăng lên trên 2.000 USD/người/năm. Đấy là bước tiến lớn. FDI cũng góp phần giải quyết vấn đề việc làm. Thời điểm 30 năm trước, Việt Nam có thể nói là dư thừa lao động rất nhiều nhưng từ khi mở cửa để FDI vào đã giải quyết được bài toán này.
Đáng chú ý, đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa (ở miền Bắc), Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam) thì đóng góp của khu vực DN này còn lớn hơn nhiều, làm thay đổi cơ bản cơ cầu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để DN trong nước phát triển có hiệu quả kinh tế cao; cuộc sống, thu nhập của người dân trong vùng có các dự án FDI trở nên khá giả hơn các địa phương lân cận.
Nhận định về sự hiện diện của các dự án FDI tại Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua, TS Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu quan điểm: Thực tế, Việt Nam đã vận dụng tốt tính tích cực của nguồn vốn FDI. Cụ thể, FDI đã đóng góp lớn cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời khơi dậy và phát huy hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực trong nước. Khu vực FDI cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Ngoài ra, FDI cũng góp phần hoàn thiện thể chế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thúc đẩy cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận, quá trình thu hút FDI trong thời gian qua, chúng ta đã phải nhận những bài học “cay đắng”. Đó là những câu chuyện về chuyển giá, trốn thuế, những sự vụ về môi trường đã từng xảy ra. Và trên thực tế, hàng loạt các sự vụ liên quan đến các DN FDI khiến cho trong dư luận, không ít người có cái nhìn thiếu thiện cảm về đồng tiền đến từ khu vực DN này. Ngay cả một trong những mục tiêu chính của Việt Nam là thu hút FDI để tạo sự kết nối lan toản giữa khu vực DN này với các DN nhỏ và vừa trong nước hầu như không thực hiện được.
Nêu ra nguyên nhân của những điểm nghẽn nói trên, TS Phan Hữu Thắng cho rằng, quá trình mở cửa thu hút FDI thời gian qua, chúng ta vẫn chưa thực hiện tốt các khâu như: Nghiên cứu cảnh báo trước tính hai mặt của đồng vốn FDI; quy hoạch và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thu hút và sử dụng nguồn vốn này; quản lý chặt chẽ quá trình thu hút và sử dụng FDI này từ khâu đầu xúc tiến đầu tư đến khâu cuối là quản lý sản xuất kinh doanh đối với các DN có vốn FDI…
Giới chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, FDI vẫn là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Song, định hướng thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI phải đi vào thực chất hơn cả về về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, chú trọng vào chiều sâu là điều được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. “Thu hút FDI cần đảm bảo phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao vị trí của Việt Nam trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và trình độ, năng lực sáng tạo của lực lượng lao động Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, thời gian qua, sự thâm nhập của các DN FDI phần nhiều khiến dư luận nhìn thấy FDI chủ yếu chỉ thuê đất, thuê lao động, trả công lao động, thuế nộp ngân sách còn nền kinh tế FDI và nội địa chưa thực sự gắn kết như mong đợi. Do đó việc thu hút FDI cần phải cải thiện được tình hình này, làm sao để gắn kết được hai khu vực trong và ngoài nước, tạo sức lan tỏa về công nghệ, khả năng quản trị như kỳ vọng của nhà quản lý, lúc đó mới thực sự thu hút có hiệu quả.