Luôn đứng đầu cả nước về lượng lớn kiều hối, song TPHCM vẫn tiếp tục thu hút nguồn lực này và phát huy hiệu quả sử dụng. Thành phố xem kiều hối là nguồn lực nội tại quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.
PV: Ông có thể cho biết tình hình kiều hối “đổ về” TPHCM trong thời gian gần đây?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Đến thời điểm này, kết quả thu hút kiều hối năm 2023 tại thành phố rất ấn tượng, đạt khoảng 9,46 tỷ USD. Về 9 tháng đầu năm nay, qua số liệu của các tổ chức, công ty kiều hối trên địa bàn thì lượng kiều hối về TPHCM đạt 5,485 tỷ USD, tăng 10,4% cùng kỳ. Trong đó, 14 công ty kiều hối chiếm khoảng 77,4% trong tổng nguồn kiều hối chuyển về. Trước đó, kiều hối chuyển về thành phố 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5,178 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân nào khiến lượng kiều hối liên tục chuyển về TPHCM ở mức cao trong thời gian qua cũng như các năm trước đây?
- Theo tôi, chính sách kiều hối tiếp tục phát huy; thị trường lao động mở rộng, kinh tế phục hồi... sẽ là cơ sở đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kiều hối trong thời gian tới. Cụ thể, yếu tố nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về trong năm 2024. Bên cạnh các yếu tố khách quan tác động đến lượng kiều hối chuyển về như: yếu tố kinh tế chính trị, xã hội, lao động việc làm và thu nhập, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối cũng có vai trò hết sức quan trọng. Thời gian tới, một số giải pháp thu hút nguồn kiều hối cũng như sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối sẽ được tập trung thực hiện.
Với đà tăng như hiện nay, ông dự báo như thế nào về lượng kiều hối trong thời gian tới?
- Dù lượng kiều hối về thành phố trong quý III có giảm so với quý II, nhưng với tốc độ và cơ cấu này hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng kiều hối 10%/năm như định hướng. Dự kiến, nguồn kiều hối sẽ tiếp tục tăng cao trong các tháng cuối năm, đặc biệt là vào thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Mới đây, UBND TPHCM có đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2030. Vậy vai trò của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM là gì, thưa ông?
- Ở đề án này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM liên quan đến các hoạt động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách để thu hút kiều hối. Cụ thể như: phát triển dịch vụ chi trả kiều hối; quản lý nhà nước liên quan hoạt động này và nghiên cứu, đề xuất giải pháp duy trì ổn định nguồn kiều hối để tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM và các sở ngành để thực hiện đề án.
Để thực hiện vai trò trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM triển khai nhiệm vụ này như thế nào?
- Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả chính sách kiều hối và những kết quả đạt được quan trọng trong thu hút kiều hối để duy trì tốc độ tăng trưởng, tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thứ hai, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển dịch vụ chi trả, chuyển tiền, sẽ làm tốt công tác tư vấn, thông tin truyền thông để người dân không chỉ sử dụng dịch vụ kiều hối thuận lợi mà còn sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối nhận được. Đây là vấn đề không mới, song phải làm thường xuyên, trách nhiệm và hành động cụ thể, thiết thực.
Nếu làm tốt công tác này người dân có nhiều sự lựa chọn trong sử dụng nguồn ngoại tệ nhận được để mang lại hiệu quả cao nhất như: chi tiêu phục vụ đời sống; đưa vào sản xuất kinh doanh; gửi tiết kiệm hay đầu tư trái phiếu… Từ đó, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối, tập trung nguồn lực kiều hối để sử dụng vào những chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội để mang lại hiệu quả to lớn hơn.
Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, các tổ chức tín dụng, công ty kiều hối trên địa bàn xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trên địa bàn; nghiên cứu cơ chế chính sách; phát triển dịch vụ kiều hối và mạng lưới chi trả; giải pháp duy trì, thu hút và tăng trưởng nguồn kiều hối... Với những ý nghĩa đó, hoạt động này cần tổ chức triển khai thực hiện tốt, phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn trách nhiệm thực thi. Nỗ lực không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng và các công ty chi trả kiều hối trên địa bàn cũng đóng góp quan trọng giúp án sớm đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2019, TPHCM nhận lượng kiều hối cao nhất cả nước, khoảng 5,6 tỉ USD (tương đương 130.000 tỉ đồng). Năm 2020, lượng kiều hối đạt 6,1 tỉ USD (140.000 tỉ đồng), chiếm 50% tổng lượng kiều hối của cả nước. Năm 2021, kiều hối tiếp tục tăng lên 7 tỉ USD (150.000 tỉ đồng), vẫn chiếm 50% tổng lượng kiều hối của cả nước. Năm 2022, thành phố tiếp tục đứng đầu cả nước với 6,6 tỉ USD kiều hối, gấp 1,5 lần tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố (4,33 tỉ USD). Năm 2023, kiều hối đạt gần 9,5 tỉ USD (228.000 tỉ đồng), tăng 43,3% so với năm 2022 và gấp 3 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố. Đồng thời, kiều hối cũng chiếm hơn một nửa tổng vốn đầu tư xã hội, bằng 1/7 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố.